Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Vùng sâu vùng xa

Một chuyến đi bất ngờ, ngoài dự tính, thời gian cũng ngoài tầm kiểm soát luôn đến một nơi không phải là quê mình, hay quê chàng gì cả, nhưng ở đó có những người thật đáng yêu và đáng nhớ. Số là, đang nằm lăn lóc ở nhà dưỡng thương không có ý định đi chu du đâu cả thì một người quen rủ đi phát quà từ thiện cho bà con ở vùng sâu vùng xa tận U Minh Thượng, Kiên Giang. Lúc đầu mình từ chối đây đẩy nào là thương tích đầy mình như vầy mần gì nổi mà đi, nào là sợ nắng nám vết thương, nào là sợ đủ thứ...nhiều vô kể, nhưng người này phán một câu không đi là hối hận vì sẽ không bao giờ được sống trong cảnh thiên nhiên đến như vậy...còn công việc dành cho mình chỉ là công việc thủ quỹ chi tiền theo đúng những gì phân công. Thấy hấp dẫn và có lý nên đồng ý lên đường, mọi quyết định chỉ trong vòng nửa tiếng, soạn đồ leo lên xe mà đi. Ngủ một giấc đến sáng thì đến Rạch Giá, xong có xe đón cả đám đi vô xóm, tưởng có xe máy vi vu ai dè, chỉ chở xe máy đến chỗ đi đò vô thôi hjxhjx... đến khoảng 3h chiều mới tới nơi cần tới, đó là một xóm nghèo lèo tèo vài chục nóc nhà lá và không điện, không nước, điện thoại cà hập cà hụt ... ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Máy tính, máy chộp hình, Ipod,...thành cục gạch ở đây, lúc đó mình hí hứng vì mình có mang cây 3G theo tưởng mình là "chùm" rùi chứ, ai dè điện không có nên máy tính hẻm ai dám xài, 3G cũng vô ích luôn chập chờn, lâu lâu mới dám mở máy lên mạng một chút rồi tắt vì sợ hết pin. Nhiệm vụ chính xuống đây là sửa lại căn nhà lá cho các ông bà già neo đơn.Nói cho oai thế thôi chứ thật chất là chỉ mang tiền xuống và giám sát  thi công chứ mọi thứ đều do những người dân ở vùng xúm lại mần. Mười ngày sửa được 2 căn nhà lá mát mẻ và sạch sẽ cho 2 gia đình mà họ mừng như xây được 2 căn biệt thự cho chính mình làm chúng tôi cũng vui lây.
Điện thoại hết pin thì gửi ra ngoài xã sạc,cả ngày trời mới được trả về, nước đá mua lần góc tư chở vô tận nơi tan ra còn chút xíu. Nói ra thì nói là nói quá chứ hẻm biết hội từ thiện kiếm đâu ra cái vùng mà còn nghèo đến vậy hay thật. Bà con ở đó rất vui, lúc tụi tôi mới đến nơi họ kéo lại coi người Xì Phố như đi xem hát vậy đó. Có con bé con thấy tôi mặc quần mô-đên rách gối te tua, nó khều khều tôi nói nhỏ, chị đang mặc quần rách kìa, thay quần đi. Hai ngày đầu ở đây tôi không chịu được, cứ có cảm giác bức bối như lạc vô rừng, tách biệt với cuộc sống bên ngoài, nhưng đến ngày thứ ba thì khác, thích thú thấy rõ vì được sống với thiên nhiên vì thấy cuộc sống sao bình yên quá.
Khi chia tay có hẹn ngày gặp lại nhưng không biết đến bao giờ mới có thể về lại vùng đó nữa, hy vọng sang năm có điện cuộc sống bà con đỡ khổ hơn bây giờ. 

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Trở về sau bao ngày xa rời văn minh

Mười ngày qua sống như một người nông dân thứ thiệt, không điện có nghĩa là không TV, máy tính, blog, facebook, sách báo...,không nước sạch, không máy chộp hình (hết pin hẻm sạc được) sóng điện thoại cà dzựt, cảm giác thật kinh dị mỗi khi đêm xuống, nhưng cũng thật là thú vị, có lẽ sẽ không có lần sau nữa vì nghe đâu qua Tết điện sẽ kéo về tới nới đó và xóa cầu khỉ.
Sáng 4h dậy, tối 6h đã chui vô mùng, phương tiện đi lại là xuồng ba lá, ăn cơm với cá và rau dại và cơm ngày ba bữa đúng nghĩa. Hoàn toàn không mua được bất cứ thứ gì ăn vặt, món ăn vặt ở đây là củ ấu, khoai lang, bình bát, mận, và sữa lúa (bông lúa đang ngậm sữa cắn vào hạt lúa sẽ có chất ngọt dìu dịu và thơm nhẹ nhẹ rất ngon). Những ngày qua tôi toàn thưởng thức những đặc sản như chuột đồng, cá lóc, cá trê, ếch, rắn, gà vườn, kỳ nhông... theo kiểu đơn giản nhất là nướng rơm và ăn với muối ớt... cây nhà lá vườn đúng nghĩa.
Tưởng có mình ên mình rảnh đi long nhong thôi chứ ai dè các bạn ai cũng tranh thủ làm vài chuyến đi trước Tết.
Để chiều rảnh sẽ viết tiếp về nơi mình đến còn bi giờ ghé thăm nhà các bạn khác đây

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Cầu cá vồ

1. Cái vấn đề WC là vấn đề tế nhị nhất mà sao đối với người dân ở xóm tôi nó thật là tự nhiên, người ta có thể làm chuyện đó ở nơi có nhiều người qua kẻ lại. Tôi nhớ hồi thời sinh viên tôi có rủ nhỏ bạn quê ở Quy Nhơn về nhà chơi, nó lưỡng lự nửa đồng ý nửa không ,tôi gặng hỏi thì nó ngập ngừng nói: "Nhà mày đi WC ở đâu?!?". Lúc đó mới té ngửa ra là nó sợ cái cảnh cầu cá ở miền Tây. Tôi nói nhà tôi có WC ở trong nhà rồi, lúc đó nó mới mạnh dạn đồng ý về.
Trong lúc rảnh rỗi về thăm nhà và dưỡng thương tôi hay loanh quanh trong xóm ghé nhà người này người kia chơi, nhà ai bây giờ cũng xây lại và đều có WC trong nhà hết rồi, cứ tưởng như vậy thì sẽ xóa sạch cầu cá ở xóm rồi chứ. Ai dè, một hôm tôi ghé nhà bà Sáu Ấu chơi nói chuyện trên trời dưới đất với ông bà Sáu cả tiếng đồng hồ tôi thấy người ta ra vô hè nhà Sáu cũng nhiều, tôi hỏi thì bà Sáu nói sau hè nhà bà có cầu cá tra nên người ta ra vô đi ... đó mà. Tôi nói: Ủa, Sáu có WC trong nhà rồi mà, còn để cầu chi nữa cho mất vệ sinh Sáu?!?! Ông bà Sáu cười cười nói, có WC trong nhà cho sang chứ đi ... hổng được, toàn đi cầu cá không à. Trời đất! Tôi nghe xong muốn té ghế luôn. Thế là tôi quyết tâm tìm hiểu coi còn được bao nhiêu cây cầu cá ở Xóm Chài này.
2. Ngày xưa, à mà không hồi những năm chín mươi đến khoảng năm hai nghìn lẻ ba thì xóm tôi có ba hầm nuôi cá vồ, cá tra lớn mỗi hầm có khoảng ba đến bốn cây cầu dùng cho việc giải quyết bầu tâm sự cho cả xóm, điều đặt biệt là ba hầm này đều nằm ngoài mặt tiền đường nhiều người qua lại, có hầm còn được 2 mặt tiền nữa là khác.Sáng sáng cả xóm kéo nhau ra giải quyết mọi nỗi sầu ở đó, người ngồi bên trong lú đầu ra nói chuyện bàn tán rôm rả với người đứng chờ bên ngoài... hjxhjx nhớ tới cái cảnh đó tôi thấy tức cười. Có lần ông Ba Tà La xỉn quá sức đi ra đó té một cái ùm xuống hầm tụi cá vồ tưởng miếng mồi to bay đến đớp lia đớp lịa, quẫy đạp om sòm cũng may là ngay mặt đường nên người ta đi ngang thấy vậy nhảy xuống kéo ông vô nếu không là ông đã mất mạng.
Có nhiều chuyện cười ra nước mắt xung quanh cây cầu cá này, trẻ con đứa nào cũng đã từng té cầu vì cầu chỉ là một cây tre, cây gòn hay cây dừa bắc ra giữa hầm, xung quanh dừng mấy tấm lá lợp nhà. Có một chị nọ trong lúc đang ngồi ở đó thì trời chuyển mưa, gió thổi mạnh làm rớt tấm lá che chắn xuống, hai bên trống hơu trống hoác làm chị hoảng quá kéo quần đứng dậy hổng biết có kịp ... chưa nữa. Chị họ tôi đi ra đó nhằm lúc cây mục gãy cũng té lọt cầu, đang ngồi gặp người quen đi ngang cũng kêu một tiếng để chào nhau ... nghĩ lại thật tức cười.
Cứ tưởng khi điều kiện kinh tế khá giả xây được WC trong nhà rồi bà con sẽ bỏ cầu cá chứ, ai dè thói quen xưa không bỏ được, tôi đi một vòng xóm thì thấy còn lại cả chục cây cầu cá sau hè nhà. Có điều kiện nên người ta làm cầu vững chắc và đẹp đẽ hơn để phục vụ cho việc ... của người nhà nhưng tôi vẫn thấy nó gây mất vệ sinh nguồn nước sao sao đó, ngay cả nhà ngoại tôi có WC trong nhà nhưng vẫn không bỏ được cây cầu cá vồ sau nhà, và WC chỉ dùng vào ban đêm cho việc tè thôi, chứ cả nhà ngoại tôi không ai chịu sử dụng WC đúng chức năng của nó. Tôi có ý kiến thì bị quạt cho một trận : chưa là gì mà bày đặt chối bỏ gốc quê, quê chớt mà nói chuyện như mình là người Xì Phố thứ thiệt ... thôi tôi thua luôn. Hổng lẻ giữ gìn gốc quê là phải giữ luôn mấy cây cầu cá vồ hả ta?!?!?
Không biết bao giờ mới xóa được cầu cá vồ ...
(Có chộp một tấm ảnh cây cầu cá vồ có người ngồi nhưng hổng dám pốt, sợ ô nhiễm :))

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Gà trống

1. Nhà ngoại tôi có nuôi nhiều gà vịt lắm, nuôi kiểu ở vườn để khách khứa con cháu mà ghé nhà thì có sẵn thức ăn chứ chợ ở xa lắm. Năm nay không có dịch nhưng bầy gà nhà ngoại tôi trúng gió chết ráo trọi chỉ còn lại con gà trống mù một mắt. Hôm rồi có một trận mưa khá lớn gió thổi gãy nhánh mận đè sập chuồng vịt làm chết cả bầy vịt xiêm mới nở chỉ còn sống có một con vịt con mà bị què nữa. Mấy bữa nay xuống ngoại chơi thấy con gà trống mù với con vịt què rất thân thiết với nhau một điều hiếm thấy giữa gà và vịt. Tôi để ý chúng cả buổi chiều, thì thấy gà trống đi đến đâu thì vịt què lạch bạch chạy theo đến đấy bất ngờ nữa là gà trống bươi bươi đất cho vịt què cùng mổ mồi với mình. Ngoại tôi rải lúa thì chúng ăn chung với nhau. Có lẻ cùng tật nguyền với nhau thì tụi nó thông cảm nhau chăng?!!?
2. Tôi về nhà được mấy hôm rồi mà không thấy bé Mèo ghé nhà chơi, mọi khi tôi hay xách đồ cũ của mấy đứa cháu về cho bé, lần này cũng có mà không thấy bé ghé nhà tôi hỏi má tôi thì được biết má con Mèo bắt nó về ngoại ở rồi. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp nhỏ quá chừng, bé Mèo bằng tuổi nhỏ cháu ở nhà tên là Hiền nhưng hồi nhỏ mặt mũi lúc nào cũng lem luốc như con mèo nên kêu là bé Mèo. Vợ chồng anh Tư Mắm lấy nhau khi còn rất trẻ anh Tư mới hai mươi còn chị Tư thì được mười sáu, mười bảy gì đó, họ có với nhau thằng Cà Tím (tức là anh bé Mèo) thì một hôm đi làm về anh Tư thấy thằng Cà Tím khóc ngằn ngặt trên võng còn chị không thấy chị đâu nữa. Chị biến mất không để lại dấu tích gì cho anh như có phép tàng hình vậy. Hàng xóm láng giềng đồn là chị bị thằng Chệt nào đó bỏ bùa nên đi theo rồi (xóm tôi ai bỏ nhà đi là đồn bị bỏ bùa mà hổng biết bùa là cái gì?!?)Anh Tư nhất quyết không tin và buồn ngẩn ngơ như người thất tình trong một thời gian dài gà trống nuôi con. Khoảng một năm sau chị Tư đột ngột xuất hiện trở lại trong xóm với cái bụng bầu lùm lùm làm cả xóm bất ngờ, còn ngạc nhiên hơn nữa là anh Tư Mắm vui vẻ chấp nhận sự trở về của chị Tư và còn tận tình chăm sóc chị, lúc đó anh hay chạy qua nhà tôi xin đọt lá dong, anh ngượng ngịu phân trần với má tôi là chị có bầu mà mất ngủ người ta nói ăn đọt lá dong rất dễ ngủ nên anh xin về cho chị ăn dễ ngủ. Hàng xóm xầm xì bàn tán chuyện cái bầu của chị, nhưng anh Tư cứ hề hề cho qua chuyện rồi cũng thôi không ai bàn tán gì nữa, gia đình anh Tư cũng rất hiền, má anh Tư là bà Tám nói "Đời người ai cũng có lầm lỡ, nó biết nghĩ đến con cái và thằng Tư mà quay về thì thôi tui con đứa nhỏ này như cháu trong nhà chứ không phân biệt chi hết". Bé Mèo ra đời trong sự chào đón của anh Tư và sự giúp đỡ rất tận tình về mặt tài chính của chị Năm Tro (em gái anh Tư) nếu không chị Tư đã mất mạng vì hậu sản. Hàng xóm ai cũng nói kiếm được một người đàn ông như anh Tư trong thời đại này cũng khó chắc chị Tư phải tu mấy kiếp mới được.
Được một thời gian, bé Mèo được ba bốn tuổi gì đó chị Tư lại biến mất như lần trước, lần này hàng xóm có người nói chị sống với ba bé Mèo trên Xì Phố, có người nói chị đi làm "nệm" (làm nệm cho người ta nằm). Lúc đó rất tội ba cha con anh Tư, ba cha con thui thủi ở với nhau. Tội nhất là bé Mèo, tối ngày nhớ mẹ khóc ngằn ngặt, anh Tư rất thương bé Mèo,thương hơn cả thằng Cà Tím. Tuy nghèo nhưng cũng ráng lo cho ăn học đàng hoàng, anh Tư gà trống nuôi hai đứa nhỏ gần 10 năm nay mà chị không một lần ghé thăm ba cha con, chị chỉ nhắn hai đứa nhỏ qua nhà ngoại cho chị gặp khi chị về chơi. Má tôi nói tháng trước chị Tư trở về khóc lóc xin anh tha thứ, xin bà Tám tha thứ nhận lại chị làm con con dâu, anh làm thinh quay lưng đi, bà Tám lặng im không nói thì chị bắt bé Mèo về ngoại vì lí do "Nó không phải con anh và cháu của bà". Chiều nay tôi thấy anh Tư chờ bé Mèo ở cổng trường để cho nó mấy hộp sữa mà thấy bùi ngùi.
Xóm Chài của tôi bé tí tẹo không tới năm chục nóc nhà nhưng đủ thứ chuyện "giật gân" có thể viết cả một cuốn tiểu thuyết về Xóm Chài. Hôm nào tôi sẽ kể tiếp mấy thiên tình sử ở xóm tôi cho các bạn nghe

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Tai nạn

  Tai nạn xảy ra bất ngờ quá không tiên liệu được, mặt mũi và tay tôi bi giờ trầy xước cả, điều đau lòng nhất là một nửa khuôn mặt tôi bị trầy nát như cái tay, tôi không biết phải làm gì cho đỡ sẹo. Có bạn nào biết làm sao cho nó bớt sưng và thoa cái gì cho mau liền sẹo thì giúp tôi với


Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Phim và đời

1. Đề tài này đã từng bàn trong blog cũ rồi nhưng vẫn thấy thích nên đem ra nói tiếp ... hí hí.
Cả tháng nay tôi đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung (mỗi ngày 5 trang) đến hôm qua mới xong hết bộ. Mặc dù đã coi phim nhiều rồi nhưng vẫn thích đọc truyện , ngẫm lại tui thích đọc truyện hơn xem phim, đọc truyện tha hồ mà tưởng tượng anh hùng này mỹ nhân kia ra sao chứ coi phim không "đã" bằng. Trong TLBB này có rất nhiều anh hùng hào kiệt nhưng tui hổng thấy phái cha nào bằng cha : Đoàn Chính Thuần. Không hẳn là thích nhưng thấy cuộc đời ông trùm cưa gái này hay hay,có nhân có quả. Hay ở chỗ là con người đẹp trai này coi không có gì đặc biệt mà được nhiều cô mê tít. Đương thời vơ vét vô vàn mỹ nhân (tất cả các mỹ nhân trong phim đều dính líu đến lão gia gia này không vợ thì cũng là con gái). Đặc biệt là người nào ông cũng yêu say đắm, yêu quay cuồng, yêu như chỉ yêu... mình ên em í (thế mới là cao thủ chứ!). Cô nào cũng thấy ta là số một của chàng, khi biết ra chàng có quá nhiều "số một" vẫn cứ yêu thắm thiết như thường nhưng kèm theo cái màn ghen tuông tìm nhau mà xử :(. Thiệt là tội nghiệp đàn bà con gái trong cái truyện này, lúc đầu tui cũng rất tức cha này lắm người gì đâu mà lăng nhăng phát khiếp làm gì mà con cái rơi rớt dọc đường tùm lum làm như quên cột thun lại í nhưng khi đọc tới cái đoạn Đao Bạch Phụng đọc mấy câu thơ với Đoàn Diên Khánh thì tôi đã hiểu là Đoàn Dự hổng phải là con của chả, tôi thấy hả dạ dzô cùng, thiệt là trời cao có mắt. Hổng có câu nào diễn tả hay hơn câu đó :)), cũng may cho chả là chả không biết tin đó lúc còn sống chứ mà biết thì chắc chả tự tử quá. Mà cái chết của Đoàn đại gia này cũng rất lãng tử nhé, mấy bà vợ đều chết chung nằm la liệt xung quanh, làm như sợ chả đi một mình cô đơn hay sao í nên có mấy bà tự tử theo luôn nà, chắc xuống dưới mấy bả cũng cãi nhau ỏm tỏi nữa quá.
2. Hôm nay xóm tôi có đám tang, người đàn ông vừa mất còn khá trẻ sinh năm 71, anh ra đi để lại vợ và hai đứa con còn nhỏ quá đứa lớn học lớp 2 đứa nhỏ 3 tuổi. Lúc tôi về xóm này anh với chị mới lấy nhau và chị đang có bầu đứa đầu, sinh con xong chị tình nguyện nghỉ làm công chức ở nhà nuôi con và phụ giúp anh mở rộng cửa hiệu kinh doanh. Công việc tốt đẹp dần lên, chị cho ra đời thêm một công chúa rất dễ thương nữa, công việc mần ăn của anh chị ngày càng phát đạt nhưng oái ăm thay một hôm uống rượu về anh bị tai biến phải nằm viện cả tháng nhưng nhờ sức trẻ nên đã đỡ nhiều lắm về nhà được mấy tháng thì anh bị lại té ngất xỉu trong nhà tắm lần này nghe đâu nặng hơn lần trước nhiều, nằm viện được một tháng thì anh ra đi. Lúc anh nằm một chỗ có mình chị tận tình chăm sóc lo lắng chuyện việc cá nhân của anh từ lớn đến nhỏ, thiệt không có gì quý bằng tình vợ chồng. Xin chia buồn với chị, cầu cho linh hồn anh siêu thoát. Mong chị có nhiều  nghị lực vượt qua đau buồn để chăm sóc tốt hai đứa nhỏ như lời chị hứa với anh lúc lâm chung.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn

Lâu lắm mới có một buổi tối cuối tuần yên ả, ở nhà một mình nằm lăn lộn nghe nhạc, nghe bài này thấy hay quá post cho mọi người nghe chung cho vui.



Thường thì đàn ông hay thích phụ nữ để tóc dài, biết bao bài thơ, bài hát hát về mái tóc dài rất ít bài hát hay bài thơ nói về tóc ngắn.Làm như tóc ngắn hổng đẹp hay sao í, cũng may là còn có bài này gỡ gạc. Nghe bài này thấy hay quá, nhớ lại có người từng gửi tặng bài này cho mình ở trên sóng FM 99.9 Mhz lúc mình để tóc ngắn. Bây giờ mình cũng yêu cầu bài này tặng cho mấy bạn blogger luôn nà.
" Em xin chào trương trình Âm Nhạc Ép Nghe, em là miss_sadec, đến với chương trình em yêu cầu bài này, gửi tặng cho các bạn blogger gần xa. Với lời nhắn: "Chúc mấy bạn cuối tuần vui vẻ, lời bài hát cũng là lời của mình muốn nói với mấy bạn O_o. Mong được làm quen với các bạn gần xa qua địa chỉ  http://misssadec.blogspot.com , nếu hợp sẽ tính chuyện lâu dài, ưu tiên cho những blogger còm sớm và có hình :)))))))"

Thời tóc ngắn, mắt diều hâu í quên bồ câu



Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Ăn mày cửa Phật

Ăn mày cửa Phật hay còn gọi là ăn chùa. Dzụ ăn chùa này là hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là ăn ở chùa và hổng có tốn tiền.
Hôm rồi có đọc bài  Cơm dĩa chay và mặn của chị này, nhìn dĩa cơm chay của chị thấy thèm, nhớ lại thời ăn cơm chùa của mình quá. Tôi đã từng ăn chay, tụng kinh niệm phật, quét lá đa gần cả tháng trong chùa.
Thời sinh viên, tụi tôi ít khi học bài trong quá trình đi học lắm, chỉ khi nào tới mùa thi mới bắt đầu lôi bài ra học. Vào mùa thi thì nhà nhà học bài, người người học bài chật kín cả khu nhà trọ lẫn thư viện, tôi không bao giờ chen được chỗ ngồi trên thư viện để học bài cho ra dáng sinh viên, toàn phải ngồi vật vạ ngoài hành lang, nên tôi thường hay ghé chùa học bài. Gần thư viện trường tôi có một ngôi chùa nằm trong hẻm rất rộng rãi mát mẻ và yên tịnh, mồng một với rằm tôi hay đến thắp nhang ở đó, dần dà được sư trụ trì ở đó rất quý vì còn nhỏ mà biết tới phật pháp. Ở chùa người ta hay đãi cơm chay cho phật tử vào giờ ngọ ngày rằm và mồng một, tôi cũng hay ăn chay vào ngày đó nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ ăn chay và nương nhờ cửa Phật lâu đến như vậy.
Vào năm thi tốt nghiệp, tôi còn mắc nợ trường ba môn học là : Toán cao cấp, Triết và Kinh tế chính trị (hậu quả của những lần đi làm thêm hổng học bài và bỏ thi). Triết và KTCT thì tôi ít lo vì 2 môn đó do tôi bỏ thi nên rớt, học lại bài (hoặc cùng lắm là dùng phao) thì sẽ qua thôi. Còn môn Toán cao cấp mới đáng hãi vì tôi vốn là người dốt toán mà còn phải thi một mình nữa không ai giúp đỡ,tôi rất sợ là sẽ rớt lần nữa. Lúc đó, tôi đi chùa cầu xin Phật tổ cho tôi thi đậu tôi sẽ ăn chay một tháng để trả lễ, sư thầy biết tôi van vái như vậy nên kêu tôi ăn chay trước sẽ tốt hơn. Vậy là ăn chay, tôi ăn tương, chao, tàu hủ được một tuần thì ngán tận cổ và thèm đủ thứ ... hjxhjx đã định ngã mặn vì chịu hết nổi. Sư thầy có vẻ hiểu lòng tôi nên bảo nếu ăn chay thì trưa và chiều ghé chùa ăn thầy nói nhà bếp nấu thêm phần cơm cho để không thôi mắc lời vái. Lúc đó tôi rất sợ mắc nợ Phật trời nên định bụng cố gắng ghé chùa ăn chay cho hết tháng rồi thôi. Nhưng lạ kỳ là cơm chay ở chùa rất ngon (chắc tại ăn "chùa" nên ngon)tôi ăn không biết ngán, dù thức ăn cũng không có gì ngoài mấy món đồ xào, canh chua và tương chao.
Không biết do Phật trời chứng giám lòng thành của tôi hay là do thằng Chuột tận tình chửi bới trong lúc kèm tôi học lại môn Toán (chắc là do cả hai), nên tôi thi đậu Toán và Triết nhưng còn rớt KTCT.

Tưởng ăn chay xong một tháng là thôi ai dè duyên nợ của tôi với cửa Phật chưa dứt. Một bữa đang học vật vạ ngoài hành lang thì điện thoại thằng Chuột reo, con Mèo ở cùng nhà trọ nhắn tôi về nhà có chuyện gấp lắm. Tôi hộc tốc chạy về thì thấy đồ đạc của mình để lăn lóc ngoài hẻm trước nhà, bên cạnh là hai con bạn ở cùng đang lui cui dọn nốt đồ của chúng nó ra khỏi phòng, tôi ngơ ngác hổng hiểu tại sao thì hai đứa nó nói là bị đuổi rồi dọn đi thôi.
Chuyện là hồi sáng con Tí đang tắm thằng cha chủ  nhà tông cửa nhà tắm bước vào nó hoảng quá la lên thì vợ thằng cha đó lu loa cho nó là cố tình sexy dụ dỗ ông chủ để khỏi trả tiền nhà tháng này. Thế là quánh ghen ầm ầm lên, rồi đuổi cổ cả đám ra đường. Hai chị em Tí, Mèo dọn về nhà ông Ngọ anh tụi nó ở tạm rồi từ từ tính. Còn tôi thì hổng biết đi đâu nữa, rối quá chừng.
Tôi lếch thếch chở bao đồ của mình ghé chùa ăn trưa và gửi tạm ở đó để chiều đi thi cái đã, xong rồi tính. Sư thầy thấy tình cảnh của tôi như vậy nên kêu tôi ở trong chùa đỡ vài ngày cho qua mùa thi rồi mai mốt kiếm được chỗ thì dọn đi. Buồn ngủ mà gặp chiếu manh tôi đồng ý liền, sư thầy kêu người dọn cho tôi một cái đơn (là cái thùng dài 2m, ngang 1m2 cao 1m có nắp đậy bên dưới để đồ đạc bên trên làm giường ngủ) chung với mấy ni cô. Tôi ở đó cũng gần một tháng mới tìm được chỗ dọn đi, đương nhiên ở chùa thì phải theo chùa, nghĩa là phải ăn chay và 4h sáng, 7h tối phải tụng kinh niệm phật như mọi người trong chùa. Không lẽ ở chùa không như vậy sao được nên tôi còn kiêm thêm việc lau dọn chánh điện và quét lá bồ đề ở sân chùa thế cho một ni cô đi an cư kiết hạ ở ngôi chùa khác, cũng đỡ áy náy là mình ăn mày cửa Phật.Cũng nhờ sư thầy cho tôi ở đó nên tôi mới qua được kỳ thi ấy nếu không thì không biết sao nữa.
Trên bước đường tôi đi, tôi đã mang ơn rất nhiều người, những người giúp đỡ tôi họ không cần tôi trả ơn bao giờ và tôi cũng chưa biết trả ơn họ như thế nào cho phải nên tôi tự nhủ như vậy là mình mang ơn đời, có dịp giúp được người khác trong khả năng mình là tôi sẽ giúp đỡ tận tình như một cách trả bớt những món nợ ân tình đó.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

"Người" hay "Con"

1. Dạo này hơi rảnh rỗi, tôi có nhiều thời gian dành cho những việc thời sự như xem mấy cái video clip về việc tắm cho trẻ con và cái vụ án người chết như rươi ở Campuchia. Tôi thật sự bị ám ảnh, ám ảnh đến nổi ngủ nằm mơ thấy người ta cũng đánh bé Phịnh ở nhà như vậy. Cái quái gì đang diễn ra thế này?!?!! Giống như là mọi thứ đang trở về thời trung cổ vậy đó, "người" đâu không thấy chỉ thấy toàn "con", có khi nào sau này con người trở lại thành con vượn không vậy??!!?!?!? Tại sao người ta có thể đối xử với một đứa trẻ con không biết gì một cách tàn nhẫn như vậy?!?!? Thua tôi tắm con chó Misu ở nhà nữa ^-^.
Xin chia buồn với gia đình những người đã mất và còn đau lòng hơn vì những người "không hề nghe tiếng hét la đau đớn của đồng loại".Thiết nghĩ, nếu ai cũng có một chút tình người, nhường nhau tí thì có lẽ nào lại chết nhiều đến thế? Đồng ý sợ hãi, nhưng di chuyển có trật tự thì sẽ thoát nhanh hơn, an toàn hơn là hỗn loạn. Khi nghe tiếng người hét lên vì bị giẫm đạp thì có mấy ai dừng lại để xem coi họ ra sao không nhỉ? Ai đó có chút đau lòng nào khi chính mình vừa mới giẫm đạp lên người khác khiến họ phải chết không?
2. Cũng do rảnh rỗi nên phát sinh ra nhiều chuyện không đỡ nổi, nhưng bù lại cũng đổi được một chút niềm vui nho nhỏ, vui vì giúp đỡ được người bị nạn thấy mình giống "người" chứ hổng phải là "con". Số là hồi sáng này, lúc dắt xe ra khỏi nhà thì nghe tiếng vỡ đồ loảng xoảng ở bên nhà hàng xóm, bình thường thì không để ý mấy chuyện lặt vặt ý đâu, lo chạy đi mần hổng kịp giờ nữa, chứ có thời gian đâu mà ngó nghiên nhà người ta. Nhưng hôm nay rảnh, nên mới lên tiếng hỏi vọng qua nhà hàng xóm là :
- Chị Thủy làm gì mà để vỡ đồ thế?!!?!
Tôi nghe có tiếng trả lời run rẩy phía trong nhà:
- Em ... em ... gọi anh Hùng (chồng chị) giúp chị với!!!
Tôi hoảng hồn khi nghe giọng chị như hụt hơi, vội hỏi :
- Chị có sao không?
- Chị ... chị ra máu nhiều quá...
Nghe tới đó tôi xanh mặt, tay chân run rẩy, vì chị mới có thai con đầu lòng được khoảng 3-4 tháng gì thôi mà, móc điện thoại gọi cho chồng chị xong, tôi chạy lên lầu nhà mình trèo qua nhà chị, thời may cửa sổ phòng chị không khóa, tôi phóng xuống đất thấy cảnh tượng thật khủng khiếp là chị nằm trên vũng máu mặt mày trắng bệt sắp xỉu tới nơi. Lấy hết sự bình tĩnh có được, tôi gọi taxi và mở cửa nhà định nhờ mấy anh thợ hồ đang xây nhà đối diện đưa chị đi cấp cứu thì anh Hùng cũng hớt hãi chạy về. Tôi và anh đưa chị đi cấp cứu, cũng may là không ảnh hưởng gì tới tính mạng chị nhưng đứa bé thì không giữ được nữa, nhìn cảnh hai vợ chồng ôm nhau khóc trong bệnh viện tôi mủi lòng quá chừng.
Chợt nghĩ người mẹ thật vất vả và đau đớn khi sinh ra một đứa con nhưng còn đau đớn hơn gấp trăm ngàn lần khi mất một đứa con. Vậy mà người ta nỡ lòng nào hành hạ một đứa trẻ chưa biết gì như vậy?!?!?! Không biết là "người" hay "con" nữa. ^-^


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Chợ quê

Mén rất thích chợ,cho đến bây giờ vẫn thích, đi đến đâu nó cũng phải tìm ra cái chợ ở xứ đó mà đến vì từ nhỏ má đã dắt nó đi chợ với má để giữ đồ (bán chợ chạy, nên sợ bị quản lý thị trường hốt) khi má bán xoài, mận, dừa, mít, hoa huệ trắng (có năm nhà nó trồng hoa này bán Tết) ...Vườn nhà Mén có trăm gốc xoài, chục gốc mít, bảy tám cây dừa, năm ba cây mận, vài gốc nhãn, cả công đất rẫy nên ngày nào má nó cũng ngồi chợ đến trưa. Má Mén hổng chịu đếm mấy thứ trái cây rau quả nhà cho bạn hàng vì bạn hàng ép giá rẻ mạt và chê ỏng chê eo nên hai má con nó bán lẻ hông à. Rồi lớn lớn hơn một chút lúc học tới lớp ba, thì má Mén cho Mén ra riêng. Nghĩa là má sẽ bán đồ ngon (tạo thương hiệu để mơi mốt bán mắc :D) con ngồi đối diện bán đồ dở dở hơn, kiếm thêm.
Hồi đó, ở miệt của nó người ta bán trái cây tính chục, mà chục mười tám trái chứ hổng phải mười trái, má Mén than hoài vì thấy như vậy thiệt thòi quá, lựa được chục xoài ngon thì hết cha nó thúng xoài rồi còn gì nữa mà bán, mà đâu phải ai cũng mua nổi cả chục xoài với giá mắc để ăn đâu nên cũng trả rẻ mạt.
Ở Xóm Chài, Mén thấy người ta bán cá tính bằng ký hông à đâu có ai tính chục cá đâu, nó nói với má sao má không bán xoài giống bán cá í O_O. Má nó thấy có lý và má cũng ham kiếm thêm tiền nữa nên hai má con thử bán xoài tính ký xem sao.
Mấy ngày đầu má con Mén bán ế quá chừng, lúc đó người ta không quen mua trái cây tính ký của nhà vườn(chỉ có bạn hàng mới tính ký còn nhà vườn ra bán thì tính chục hông à) sợ mua nhầm bạn hàng bán mắc. Qua ba ngày ế, má Mén rầu rầu định bán chục trở lại, nhưng tía Mén nghĩ ra một cách là viết mấy chữ cho người ta thấy xoài nhà mà mua, tía kêu Mén lấy cái bảng đi học của nó viết nắn nót vô đó "Nhà vườn bán rẻ" để trước mấy thúng xoài của má. Hôm đó má Mén bán được nhiều nhưng giá không được cao như má muốn nhưng cũng làm má bớt nản và bắt đầu biết bán đồ tính ký chứ không thèm tính chục nữa. Còn Mén thì bán xoài cóc (trái xoài bị đèo đẹt nhỏ xíu), 1k một đụn khoảng 10 trái xoài con con, hôm nào không có xoài cóc thì má cho nó bán loại xoài chất lượng thấp(nghĩa là xoài chua chứ không ngọt) để giữ thương hiệu cho má.
Một hôm, Mén thấy bà cụ ngồi kế bên bán mấy cọng lá dứa được 2k, nó mừng quá chừng vì nghĩ ra được cách xử lý mớ lá dứa ở nhà. Số là, ở cái mương lạng sau hè, Mén cặm mấy bụi lá dứa để nấu nước uống chơi, ai dè nó nở nhanh quá làm đầy mương, chặn dòng chảy nên tía Mén đòi nhổ bỏ hổm rày mà nó tiếc nên chưa nhổ. Chiều đi học về, Mén hí hửng cắt trụi lủi bụi lá dứa ở mương nhà, phân ra làm 4 túm, cột dây chuối lại, để ngoài sau hè, hổng dám đem vô nhà. Sáng,má kiu dậy đi bán thì nó lò dò ra hè lấy mấy cọng lá dứa xách theo mà nơm nớp sợ má la. Thời may, má nhiều đồ quá nên đã đi trước với tía rồi không để ý gì tới nó. Mén để mấy túm lá dứa đó phía sau mớ xoài cóc vì sợ má thấy, nó lầm rần khấn ông Địa cho bán được mớ lá dứa này nó cúng nải chuối xiêm. Hổng biết là nhờ ông Địa phù hộ hay nhờ Mén bán rẻ mà mấy bó lá dứa hết trước. Cả bụi lá dứa bán được có 6k mà Mén mừng như lụm được vàng, nó giữ lại 2k để đi đò và dằn túi còn 4k thì gửi má ...
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Nắng có còn ...

Quay lưng về phía mặt trời,
Em đi tìm ánh sáng đời em?!?!!?
Chợt nhận ra
Nắng không còn nồng nàn
Gió hết vô tình lang thang
Mưa chẳng còn buồn mênh mang
Như một ngày lòng ngổn ngang
Đi một mình trên đường thênh thang
(Tâm trạng bất ổn, tâm tư bất an, tâm thần bất thường ... nên viết bất nghĩ)
22/11/2010
Thơ con nhái

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Mén vào đời (tập 2)

 Khúc đầu ở đây nè!  
Cô Hà hỏi Mén chứ có đi mần được lúc 5h-9h sáng hôn,nhà bạn cô cần người mần việc nhà, được thì cô giới thiệu qua mần, cũng gần, bên kia đường tức là gần chỗ Mén trọ. Mần tuần năm ngày, mỗi ngày bốn tiếng, tháng người ta trả cho một triệu, hông bao ăn ở gì ráo. Lúc đầu Mén còn lưỡng lự nhưng khi nghe tới số ngân lượng đó nó gật đầu liền, nó nhẩm tính nếu làm được như vậy thì nó tự lo cho nó đi học được rồi không phiền gì tới nhà nữa. Đâu có ảnh hưởng gì đến việc học đâu vì nó học buổi chiều hông à, mà tuần học có năm bữa thôi được nghỉ hai ngày Thứ Năm và Chủ Nhật, chỉ có điều nó phải dậy sớm xíu. Ông bà ta nói “đói thì đầu gối cũng phải bò” mà đằng này nó có phải bò đâu chỉ dậy sớm thôi mờ.
    Thế là Mén qua nhà cô Hồng mần, nhà cô Hồng có năm người, cô mần giám đốc chi nhánh ngân hàng Miệt Vườn, chú là dân đi ghe, đi suốt, nghe đâu có chuyến đi tận bên Tây, bên Phi lận nên vắng nhà thường xuyên.Có bà ngoại là người ở miệt Đồng Khởi hiền ơi là hiền, hai đứa con cô thì đứa con gái đang học lớp Tú tài, thằng con trai nghe nói học trường Chuyên Chở Hàng Hóa gì đó để mai mốt đi ghe giống tía nó. Sở dĩ yêu cầu đến mần sớm như vậy là cho có người ở với bà ngoại trong lúc cô Hồng đi tập thể dục sớm.
    Sáng 5h nó đến nhà mần thì bà ngoại đang tụng kinh, cô Hồng mở cửa cho nó vô nhà, xong cô cũng đi tập thể dục rồi đi chợ luôn, tới 7h kém mới trở về tắm rửa thay đồ đi mần, hai đứa con cô còn ngủ. Công việc của Mén là quét nhà, lau nhà, phơi đồ, ủi đồ, rửa ly chén, nhặt rau, rửa thịt cá mà cô Hồng đi chợ về, rồi cất vô tủ lạnh để trưa, chiều bà ngoại nấu ăn …
    Công việc hổng có gì nặng nhọc nhưng lắc xắc, mần hoài không hết vì má nó dặn đi mần cho ai cũng vậy phải coi nhà người ta như nhà mình, công việc phải mần như nhà mình mới được chứ không thể mần qua loa cho xong việc, nên nó thấy cái gì trái tai, gai mắt như mấy chậu kiểng trên lầu khô queo, sân thượng đầy rác là nó tự động tưới cây, quét tước dọn dẹp không đợi bà ngoại hay cô Hồng nhắc nhở chỉ bảo.
    Vì vậy bà ngoại rất thương nó, bà coi nó như cháu ngoại của bà vậy, nó mần tới đâu bà cũng đi theo, lúc đầu nó nghĩ bà đi theo canh chừng nó sợ nó chôm đồ đạc nhà bà nhưng về sau nó hiểu, bà đi theo để nói chuyện với nó để nghe được tiếng nói trong nhà, chứ cô Hồng thì đi tối ngày và hai đứa cháu bà cũng đi học tối ngày, về nhà thì tụi nó vô phòng riêng đóng cửa lại, có ai nói với bà hay nghe bà nói như Mén đâu…
    Mén mần ở nhà cô Hồng được hơn một tháng nhưng nó chưa bao giờ thấy mặt cậu chủ của mình, vì khi Mén đến thì cậu chưa thức, còn khi Mén về thì cậu … còn ngủ. Đôi lúc phơi đồ Mén thấy cái áo thun nam này quen quen, hổng biết mình gặp ở đâu rồi. Nhưng Mén nghĩ chắc thời trang thì cái này giống cái kia vậy thôi ai cũng mua đồ ở một chỗ thì nó giống nhau.
    Hôm đó là Thứ Năm, Mén không cần về sớm để chiều đi học như mọi ngày, nên Mén ở lại chơi với bà ngoại và học bà nấu món bò kho. Đang lui cui gọt cà rốt với khoai tây ở dưới bếp, Mén nghe giọng nói quen quen hỏi bà ngoại :
-         Ngoại ơi, có thấy cái đĩa ca nhạc con để trên bàn đâu không?
-         Bà không thấy, mà để bà hỏi con Mén coi hồi sáng nó có dọn không?
-         Mén à, hồi sáng con dọn dẹp có thấy cái đĩa của thằng Chuột để đâu không ?
-         Dạ, con để trên kệ đó bà. Để con lấy cho.
    Mén rửa tay sơ sơ, rồi chạy ra lấy cái đĩa để trên kệ sách định bụng sẽ lên lầu đưa cho cậu chủ để biết mặt cái người mà ngày nào cũng ngủ đến 11h trưa (lời bà ngoại nói) này coi sao. Nhưng Mén chỉ chạy lên tới nửa cầu thang thì nó đã thấy một người đứng như im trời trồng, nhìn nó đầy kinh dị như thấy ma, và Mén cũng hoảng hồn muốn té cầu thang khi nhìn thấy người đó.
    Thì ra cậu Chuột là thằng bạn học chung giảng đường cả tháng nay và thường mượn tập nó photo chứ hổng có chép bài.
    Ủa, sao cô Hồng nói Chuột học trường Chuyên Chở Hàng Hóa mà ta, sao kỳ dzậy?!?! Mén hoàn hồn trở lại, định mở miệng hỏi thì nhận được tín hiệu “Suỵt …” im lặng từ Chuột,  Mén đành đưa cho Chuột cái đĩa ca nhạc rồi lủi thủi đi xuống bếp lòng đầy lo lắng, sợ ngày mai vô lớp Chuột nói với mấy đứa bạn học chung thì sao ta?!??!!?
    Nhưng Mén lo có thừa vì Chuột còn lo gấp mười lần Mén nữa kìa, nó chạy lên chạy xuống như gà mắc đẻ, chốc chốc lại ngó nghiên và lắng nghe chỗ hai bà cháu Mén đang làm bếp. Chừng hết chịu nổi, Chuột nói:
     - Mén ơi, ra tui nhờ cái.
    Mén bước ra, Chuột dúi vào tay Mén mảnh giấy có chữ « TUI CẦN NÓI CHUYỆN VỚI BÀ, ĐI THEO TUI » rồi nói lớn với bà ngoại ở trong :
-         Ngoại ơi, cho con chở Mén đi lấy cái vô tuyến về nghen, phải có người ngồi sau ôm chứ một mình con không chở được.
-         Ờ, đi đi nhưng nhớ chạy cẩn thận đó thằng chó con. – Bà ngoại trả lời giọng đầy âu yếm với Chuột.
    Mén trèo lên cỗ xe 50 mã của Chuột, hai đứa chở nhau ra đến cầu Quăng Dép (vì ngồi ở đó một hồi là phải quăng dép bỏ chạy vì muỗi cắn chịu hông nổi)  thì Chuột dừng lại, tấp vô quán nước mía, kêu hai ly nước mía hút một cái rột hết nữa ly mà hổng đứa nào nói nên lời với đứa nào, ngần ngừ một lát, Chuột mở lời trước :
-         Bà đừng nói gì với nhà tui nghen ?!?!
-         Nói gì là nói gì ?!?!? -  Mén giả bộ hổng hiểu lời Chuột nói.
Chuột ậm ừ, cuối xuống hút một cái rẹt nữa hết ly nước mía, rồi nhìn Mén bằng ánh mắt năn nỉ, nói tiếp :
-         Bà đừng nói là tui đang học chung với bà nghen !
-         Sao vậy ?!? Sao cô Hồng nói là Chuột đang học trường Chuyên Chở Hàng Hóa để mơi mốt đi ghe giống chú mờ ?!?
Nó thở dài đánh thượt một cái, nhìn xa xăm rồi nói :
-         Tui có thi vào trường đó đâu mà học.
-         Hả ?!!? Cái gì ?!?!!? Mén nhìn Chuột đầy kinh ngạc như người ta thấy bò mặc đồ đi lòng vòng ngoài đường vậy.
Chuột nói tiếp giọng đầy tâm sự :
-         Papa tui thích tui học nghề đi ghe, để mai mốt đi đó đi đây giống ổng, ổng nói đàn ông là phải thế, phải tung hoành ngang dọc, coi bốn biển là nhà mới xứng đáng làm đàn ông. Nhưng ổng có bao giờ biết mỗi lần má tui nghe tin biển giận, ghe này bị lủng, ghe kia bị bọn đầu trâu mặt ngựa hỏi thăm, ghe nọ bị mãi lộ ở đâu đó là má tui lo phát khóc. Nói thật, anh em tui bi lớn rồi, mà thời gian papa tui ở nhà được với tụi tui chừng 3 tháng là dài nhất nên tình cha con chưa kịp thắm thiết là phải chia tay. Tui thương má tui lắm, tui không muốn má tui khóc vì tui, nhà một người làm má khóc là đủ rồi, nên hồi mần đơn đi thi tui hổng ghi nghề đó nhưng vì áp lực của nhà nên tui nói là thi và đậu rồi nhưng thật ra là tui đậu trường mình chứ đâu có dính líu gì tới trường đó đâu. Với lại tui cũng không muốn mơi mốt con tui nhìn tui đầy xa lạ như tui nhìn papa tui vậy, mặc dù rất thương papa nhưng sao tui không thấy gần gũi papa lắm.
Nó nói một hơi dài như vậy, xong ngồi im ru nhìn Mén lom lom. Mén thơ thẩn suy nghĩ một lát rồi nói :
-         Ông vô lớp không được nói với ai là tui mần ở nhà ông nghen.Với lại ông không được cho tụi thằng Gà, thằng Heo ghé nhà ông vào giờ tui làm à nghen. Ông mà để tụi nó biết là tui méc má ông chuyện này đó.
-         Ừh, tui hứa
-     Mà ông thề đi tui mới tin. Thề là, nếu tụi nó biết chuyện tui mần ở nhà ông thì ông sẽ ngồi uống trà với Tào tướng quân một tháng.
        Chuột hơi hết hồn với lời đề nghị đó của Mén nhưng nó cũng thề, và Mén cũng long trọng thề lại như vậy.Mén với Chuột uống nước mía, ăn thề với nhau xong xuôi rồi chở nhau đi về mà hổng có lấy cái vô tuyến. Bà ngoại thắc mắc thì Chuột nói là người ta sửa chưa xong, hẹn ngày mai mới ghé lấy.
      Mén và Chuột giữ đúng lời hứa với nhau không ai tiết lộ bí mật của ai, nghĩa là Mén cũng đến mần ở nhà Chuột như bình thường mà trong lớp hổng ai biết, còn Chuột vẫn đi học như hằng ngày mà má hổng hay là Chuột hổng có học trường Chuyên Chở Hàng Hóa. Có điều bây giờ khác trước một chút là tình bạn Chuột và Mén ngày càng khắng khít hơn, ở lớp Chuột hay bảo vệ Mén trước lời chọc ghẹo tinh quái của lũ bạn Chuột như người anh trai bảo vệ em gái mình vậy.
    Nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, giấy mà sao gói được lửa, đến một ngày qua một người bạn học cũ của Chuột, cô Hồng biết hết sự thật. Khi nghe Chuột trình bày thì cô Hồng khóc quá chừng nhưng rồi cũng qua, chứ lỡ hết rồi biết sao, học cũng được nữa học kỳ rồi.
    Khi cô Hồng biết Mén là bạn học cùng lớp với Chuột được một thời gian thì cô không cho Mén mần mướn ở nhà cô nữa. Mén mếu máo khóc khi nghe cô nói vậy nó tưởng cô đuổi nó nhưng không phải, cô giới thiệu nó đến mần Búp Bê Biết Cười (Promotion Girl) cho một công ty Gây Sự Chú Ý mà cô có phần hùn ở trong đó. Lúc đó Búp Bê Biết Cười là một nghề cực mới ở Xì Phố nên lương khá cao mà đòi hỏi cũng cao ngất luôn : chân phải dài nè, dáng mình dây nè, da phải trắng như bông bưởi nè và phải biết cười tươi như hoa trong khi đứng trên giày cao gót cả ngày trời, lúc đó toàn người mẫu hạng C của mấy lò người mẫu làm Búp Bê Biết Cười không à. Nếu không có cô Hồng giới thiệu và bảo lãnh Mén, thì cả đời người ta cũng không tuyển nó làm Búp Bê Biết Cười nữa vì nó thuộc dạng chân tròn chứ hổng phải chân dài (lùn ỉn cao đâu tới 1m6), dáng của nó cũng mình dây nữa nhưng mà là ... dây chão, da nó cũng hổng trắng như bông bưởi nhưng được cái là nó rất vui vẻ và chịu khó nên nó cũng không phụ lòng tin của cô Hồng. 
     Mén đi làm được ba tháng thì đã trở thành vơ đét trong công ty Gây Sự Chú Ý vì sức trâu của nó, một tuần 7 ngày nó làm đủ 7 show có khi còn làm thêm show tối nữa. Có mấy show khai trương ở xa mà phải đến sân khấu ngay từ 5h sáng, mấy Búp Bê kia vì không quen thức khuya dậy sớm đã đến trễ, gặp công ty của người Bông nữa, họ coi giờ khai trương mà, đâu kịp ăn uống gì đâu đã phải thay đồ trang điểm đẹp lên sân khấu đứng cười, đứng cười một hồi thì mệt, đói , khát dẫn đến ... xỉu mà xỉu là cái bệnh kéo theo một cô mà xỉu là kéo nhau xỉu cả đám làm công ty bị phàn nàn quá chừng. Nhưng Mén thì không xỉu bao giờ nó dậy sớm và chịu cực quen rồi mấy chuyện đó là con bù mắt, không đáng gì. Mén có thể đứng cười từ 5h sáng đến 12h trưa mà hổng xỉu hay mệt bắt đầu làm nũng nhõng nhẽo như mấy Búp Bê xinh đẹp kia (vì nó biết thân biết thận mình mà). Chính vì có sức trâu nên nó được "u ái" bay toàn show thức khuya dậy sớm hông à, mà nó cũng không buồn lòng vì như vậy nó mới đi học được chứ chứ chiều tối sao mà học hành. Công ty Gây Sự Chú Ý ngày càng quý Mén vì lẽ đó, chị kế toán của công ty đặt Mén biệt danh là Vơ Đét Trâu.
     Mén làm Búp Bê Biết Cười cho tới ngày chữ đã viết đầy lá mít, trong lúc tìm việc mần tâm đầu ý hợp vẫn đi làm Búp Bê Biết Cười nhưng những năm về sau nghề Búp Bê Biết Cười bị biến tướng quá nhiều không còn trong sáng và lương lậu cũng bị nhiều đầu mối cắt xén còn chút tẻo không vui và khá như xưa.
     Mén với Chuột bây giờ thân hơn ngày xưa rất nhiều, chuyển sang gọi nhau là mày, tao rồi hổng còn ông ông, tui tui như ngày xưa nữa. Lâu lâu Mén vẫn ghé nhà Chuột ăn cơm với bà ngoại, nhà có đám tiệc gì thì cô Hồng cũng hú Mén qua ăn nứt bụng luôn, xong còn mang về nữa, coi như con cháu trong nhà. 
     Chuột chọn học nghề trên bờ để khỏi phải đi ghe như papa Chuột nhưng ai dè đâu, nghề chọn Chuột chứ Chuột hổng chọn được nghề, nó cũng đi ghe như papa nó luôn. Chuột đi ghe sau khi bị người yêu đầu tiên của nó bỏ nó để đi đến xứ sở Kăng-gu-ru tìm một chân mới. Chuột đi ghe được vài bận thì Mén nhìn hổng ra một Chuột ngày nào nữa, nó đen như cột nhà cháy, ốm hơn trước nhưng rắn chắc hơn và đặt biệt uống dữ hơn, nó chấp cả thằng Heo hai cái ngủ (nghĩa là uống no, xỉn, ngủ, thức dậy uống tiếp, hai lần vậy đó) luôn mà vẫn uống tì tì bằng anh bằng em.
     Bây giờ, Mén đã có được công việc yêu thích của mình và rất hạnh phúc bên chàng của Mén, còn Chuột thì cũng thích thú với nghề đi ghe rồi (con nhà tông hổng giống lông cũng giống cánh mờ) hổng còn tơ tưởng gì tới mối tình đầu nữa, nhưng mà nó nói nó sợ con gái quá nên tạm thời nghỉ yêu, thay dầu làm máy trái tim lại cái đã, mai mốt tính sau. Hôm rồi tiệc chia tay Chuột đi chuyến dài tận trời Phi, Mén tặng cho nó cây mai giả, dặn mang lên ghe để Tết có cái mà nhớ nhà, nó cảm động quá chừng. Chuột hứa lần này về sẽ đem về cho Mén tờ tiền bạc tỷ ở nước Tỷ Phú Nghèo để Mén thấy mình giàu (số là nó đi qua nước nào nó cũng đổi một ít tiền xu nước đó về cho Mén để Mén sưu tầm. Có đợt nó đi chuyến dài cả năm đem về cho Mén cả bịch tiền xu 18 nước làm Mén cảm động khóc hu hu ...)
Hết rồi đó *_*.

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Mén vào đời

   Ở miệt đất Chín Giun nọ, cách xa Xì Phố này khoảng 150 cây số (chứ hổng phải cây chuối) nơi con sông Cái chảy qua, nổi lên cái cù lao Ông Gù, trên cù lao Ông Gù xuất hiện nhiều xóm làng như Xóm Lá (chuyên chằm lá lợp nhà), Xóm Chiếu (toàn dệt chiếu), Hàng Lu (cả xóm bán lu), Xóm Chài (nhiều người mần nghề "đâm hà bá"), Cái Đôi (nơi đứng đó thấy con sông Cái chia làm đôi). Mén là cư dân của Xóm Chài nhưng nhà Mén hổng có ai đóng đáy hay kéo nhũi cả, má Mén mần ruộng, tía Mén bỏ mối thuốc lá, hai cái nghề lạ huơ lạ hoắc ở xóm này. Mén rất thương cái Xóm Chài hung dữ (xóm khác mà đụng phải dân Xóm Chài  là cả xóm kéo nhau ra oánh hội đồng chứ chẳng chơi) của mình, dù nó có dữ hay hiền thì cũng là  nơi Mén sinh ra và lớn lên mờ. Thương thì thương dzữ lắm nhưng cũng đến lúc Mén phải rời Xóm Chài dzữ dzằn của mình để tiếp tục sự nghiệp học hành kiếm một ít chữ, viết cho đầy lá mít để đỡ khổ tấm thân - lời tía Mén nói.
    Mén là sinh viên khi mới 17 tuổi nghĩa là nhỏ tuổi nhất trường lúc đó vì Mén đi học sớm một tuổi mà (Mén đi học sớm vì cái tội mê trai,để hôm nào kể cho nghe còn hôm nay tập trung vào chuyện này). Mén bước vào giảng đường trong thời kì khốn khó nhất của gia đình, tía Mén đổ bệnh rất nặng tưởng không qua khỏi, gia đình muốn Mén bỏ học, đi mần công nhân nuôi thân đến khi nào kinh tế khá giả hơn rồi đi học lại, chứ không kham nổi việc vừa chữa bệnh cho tía Mén vừa nuôi Mén học chữ để viết đầy lá mít nữa. Nhưng tía Mén nhất quyết là Mén phải đi học nếu không ông sẽ không chữa trị gì cả, ông nói: " Tía sống mần chi mà để cho con gái tía thất học chứ". Tía Mén quan niệm là con gái cần phải có chút chữ nghĩa để có một nghề nghiệp đàng hoàng sau này lỡ chồng có bỏ thì cũng có nghề mà nuôi con chứ nếu không khổ lắm. Mà tía Mén không muốn con Mén của tía buôn gánh bán bưng hay mần nông cực khổ một nắng hai sương. Vậy là Mén được đi học trong sự cố gắng của cả gia đình và cả sự nổ lực của bản thân Mén nữa, Mén tuyên bố sẽ tự lo cho mình không cần ai lo, gia đình chỉ lo cho tía Mén thôi.
    Hành trang để Mén lên đường đi học là lời dặn dò của tía Mén, và 2tr5 tiền góp của má Mén (má mới góp của bà Đèo hôm qua). Tía Mén dặn :
- Con lớn rồi muốn mần gì thì mần nhưng phải nhớ là sống lương thiện không lọc lừa và ức hiếp ai hết nghen con. (Tía nó mần như nó là đầu gấu hổng bằng lọc lừa với ức hiếp người khác...)
- À...còn nữa, (hơi ngập ngừng một tí) nếu có bồ thì chọn một là dân Xì Phố hai là dân miệt này thôi, để một kiểng hai, ba quê cực lắm nghen con. (tía mần như bồ là người ta để một rổ có dán nhãn đề là "Made in ..." lên vậy muốn chọn ai chỉ cần lụm bỏ dzô túi là được)
Mén dà dạ chứ có thèm để ý gì đâu vì nó còn lo nghĩ chuyện xa vời hơn kia kìa, ai như tía nó lo những chuyện hổng ăn nhập gì ráo.
    Ngày đầu tiên lên Xì Phố, Mén đến trường làm thủ tục nhập học, trường Mén học là một trường khá nổi tiếng ở Xì Phố, nổi tiếng vì là nơi chuyên đào tạo ra những người đứng mũi chịu sào để lèo lái nền kinh tế của đất nước, mà cũng là nơi cung cấp không ít tù nhân cho các trại giam nữa :(.
Trường bé xíu, không bằng một góc trường cũ của Mén nữa, làm Mén thất vọng quá chừng. Thủ tục nhập học đã ngốn hết của Mén 2tr rồi, đã vậy chiều nay Mén còn phải đóng tiền nhà hết 200k nữa, Mén hoảng hồn khi thấy mình còn chưa tới 300k nữa vì hôm qua đã đi xe hết 35k rồi. Mén nghĩ mình phải kiếm việc mần thôi nếu không mơi mốt hết tiền rồi sống sao. Mén có bà con ở Xì Phố này chứ, nhưng nó không muốn nhờ vả vì ai cũng nặng gánh gia đình, hổng lẽ nó còn báo cô nữa sao.
    Theo lời chỉ dẫn của đàn anh đi trước Mén tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh viên của thành đoàn để tìm việc mần thêm, người ta nói với Mén là chỉ còn có việc giúp việc nhà theo giờ thôi có chịu mần thì người ta viết giấy giới thiệu cho. Mén đứng tần ngần một hồi rồi đồng ý, chuyện gì chứ việc nhà thì nó mần quen từ hồi lớp 6 đến giờ lận, cơm nước, quần áo, nhà cửa chỉ là con muỗi thôi, nó tần ngần là vì nó sợ quê xệ khi bạn bè biết nó đi mần mướn cho người ta. Nhưng nó nhớ má nó dạy nó là "Có quét rác hay ở đợ đi nữa thì cũng là công việc lương thiện mà người ta bỏ công sức ra mà kiếm tiền, không cướp bóc lừa lọc ai mà có, là điều đáng nể chứ không phải là điều đáng xấu hổ" nên nó đồng ý mần mướn theo giờ.
    Trung tâm giới thiệu Mén đến mần cho nhà cô Hà ở gần Tân Cảng, cô Hà mần kế toán cho công ty sữa Cô Tiên, chồng cô là giám đốc công ty dầu ăn hiệu Ông Già, cô có hai đứa con, con trai học lớp mười, con gái nhỏ học lớp ba, nhà cô Hà có người mần việc nhà rồi nhưng bà vú bị đau khớp hoài không lau nhà và ủi đồ xuể nên cô Hà thuê Mén lau nhà và ủi đồ, tuần mần 3 buổi, mỗi buổi khoảng 2 tiếng, một tháng cô trả cho 200k. Giờ giấc cho Mén chọn luôn rảnh giờ nào là qua mần giờ đó vì nhà luôn có bà vú mở cửa, miễn mần xong việc  thì thôi.
Mén đi mần được hai ngày, đến ngày thứ ba thì ...
(Còn nữa)

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Tía và chuyện nghề

1. Mấy hôm nay tôi lò dò làm hồ sơ nộp vào ngân hàng theo ý nguyện của tía và chàng. Từ khi nghị định 71 ra đời, rồi đến thông tư 13 ban hành tía tôi lòng như lửa đốt cứ nói gần nói xa về việc làm của tôi hoài, tía sợ mua bán khó khăn thì tôi càng vất vả, tía nói:
- Thôi con coi xin vô ngân hàng làm đi, tía đọc báo thấy ngân hàng tuyển quá chừng nè!
- Ủa, sao vậy tía?!!!?Con thấy làm ở đây ổn mờ!
- Thì về đúng chuyên ngành mình học tía thấy tốt hơn đó con à, chứ thấy nhiều luật lệ ra quá tía sợ mua bán khó khăn rồi con càng cực.
Chắc tía thấy một ngày tôi đi mần 8 tiếng mà ngồi cà phê đến 6 tiếng rồi nên tía lo. Tía đâu có hiểu tôi là sales thì tôi muốn làm gì thì tôi làm miễn đáp ứng đủ doanh số hàng quý thôi, đâu cần 8 tiếng tôi phải ngồi ở văn phòng, nhưng tía thấy như vậy là con gái tía cực khổ lắm. Tía còn vận động hành lang chàng nhà tôi kêu tôi xin việc vô ngân hàng làm một công chức bình thường cho an nhàn khỏe thân khỏi bon chen mua bán lọc lừa chi cho mệt.

2.  Tôi còn yêu bất động sản lắm, nếu không yêu thì những tháng ngày đóng băng tôi đã bỏ việc từ lâu rồi. Tôi yêu nghề vì ở đây tôi có những khách hàng như những người bạn, người thân trong nhà. Tôi có niềm vui khi khách hàng tôi chọn được tổ ấm vừa ý và có cả những nỗi buồn khi phải bán những căn hộ hay lô đất để chia tài sản khi họ ly dị. Có những khách hàng tin tưởng tôi như người nhà, họ mua bán cái gì cũng nói cho tôi nghe, đôi khi tôi cũng chẳng giúp ích được gì cho họ trong cuộc mua bán đó.
Có anh khách hàng rất tin tưởng và chỉ chịu làm việc với tôi, từ chuyện xây nhà biệt thự cho vợ, mua căn hộ cao cấp cho người anh yêu và thuê chung cư xoàng xoàng cho người yêu anh, cả ba người phụ nữ đó đều không biết nhau nhưng tôi thì biết cả ba.
Có chị khách hàng nọ lúc đầu rất ghét tôi vì chị nói tôi dụ dỗ chồng chị bán rẻ lô đất đẹp, nhưng khi thị trường tuột dốc thê thảm thì quay ra cảm ơn tôi rối rít và giới thiệu cho tôi vô số khách hàng tiềm năng. Cũng có những khách hàng rất là mất lịch sự, như khi làm thủ tục mua bán tôi cố gắng đảm bảo mọi quyền lợi cho họ trong khả năng của tôi thì họ lại thấy là tôi cố ý làm cho rắc rối để moi tiền họ, nhưng tôi không giận họ vì đó là một phần công việc và trách nhiệm của tôi.
Có những lúc tôi bật khóc khi thấy khách hàng coi thường mình quá như lần tôi đã cố gắng thuyết phục khách hàng bỏ thêm tiền tạo L/C trong ngân hàng để đảm bảo cho việc thanh toán vì tôi thấy có rủi ro trong cuộc mua bán này, họ đã kéo cả nhà lên chửi rủa mắng mỏ tôi quá chừng, nhưng khi nhờ cái L/C đó mà họ không bị mất tiền khi người kia lật kèo thì họ lại quăng cho tôi vài triệu như trả nợ không một lời cảm ơn và tôi cũng không thèm nhận số tiền ấy rồi delete luôn tên và số điện thoại khách hàng trong database của tôi, không take care gì ráo.
Nếu chia tay BĐS tôi cũng  buồn lắm chứ lại bắt đầu từ đầu ở một lĩnh vực khác cũng khá vất vả đây, nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại để tía cứ nơm nớp lo sợ cho công ăn việc mần của tôi thì không nên tí nào, mà tía đã già rồi còn bao nhiêu lâu nữa đâu, nếu tôi không nghe lời tía bây giờ lỡ sau này tía trăm tuổi tôi lại ngồi hối hận như tía tôi bây giờ hay hối hận vì những việc không nghe lời ông bà nội ngày xưa.

3. Vì tía, vì chàng và cả vì con nữa, con sẽ cố gắng học lại bài để thi vào ngân hàng làm việc ổn định không bon chen cực khổ cho tía vui nghen tía! Tía ráng chờ ngày con thi đậu dzô ngân hàng nghen, có thể hơi lâu đó tía, biết đâu con phải thi hai ba lần vì con gái tía vồn hổng giỏi giang bằng ai mà.

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Chuyện má kể

1. Hôm nay chạy ngang trung tâm thành phố thấy người ta chuẩn bị đón Nô-ên rầm rộ, đèn giăng đầy đường. Những cao ốc trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã bắt đầu trang trí cây thông, ông già Nô-en đẹp quá chừng. Mình hổng có đạo mà cũng bày đặt bon chen xã hội đen trang trí chỉnh sửa cái chòi của mình lại để đón Nô-ên như người ta, mình phát hiện ra nó cũng có nhiều cái hay quá chứ, vậy mà có lúc mình chẳng mặn mà với nó gì ráo vì nghĩ nó hổng thú vị bằng facebook. Hổng có hình Nô-ên mình trang trí bằng cái hình chụp ngoài Diamond hồi năm ngoái. Nhìn cũng rực rỡ như ai chứ bộ :))
2. Mình đã book vé xe Phương Trang rồi cuối tuần này mình dzìa Sadec ăn canh chua cá rô bông điên điển, cá linh kho nhạt chấm bông súng. Nhớ nhà và nhớ má quá chừng.
3. Tối, má gọi điện thoại than phiền về chồng và nói chuyện này, chuyện nọ kể chuyện ở quê nghe cũng vui.
  - Tía mày dạo này già sanh tật rồi
  - Là sao má?!?Ổng sanh tật gì?!?!
  - Dạo này tía mày đi suốt. Bác Sơn (đi vượt biên từ những năm 82 mà chưa bao giờ về) đó, nhớ không?!!? Mới về tuần rồi nên tía mày đi suốt, hổng có ở nhà.
  - Hông, con có biết bác Sơn là ai đâu, nghe tía nói thì biết thế thôi.
  - Nhà mình khỏe hết hả má?!? Xóm mình có gì mới hôn?
  - Ừa, mà biết gì hôn, bà Kế An gần lò gạch đó, bị tiểu đường rồi, mới đi thành phố khám dzìa nè!
  - Dzậy hả má? (mà tui nào nhớ mặt mũi bà Kế An đó ra sao)
  - Con Phương con bà Lời đó có bầu nữa rồi, chắc qua Tết đẻ đó! Bốn đứa nheo nhóc rồi mà má tui làm như nó đẻ con so vậy, mừng hồ hởi :(
  - Bà Năm Thửng hôm qua mới khoe với má bả trúng số đó con!
  - Trúng mấy tờ má ?!!?
  - Hông, bả trúng đề, nghe đâu oánh con gà 10k trúng được 700k đó. (Bà này đánh đề chuyên nghiệp có khi nào bả thua mà bả khoe đâu). Hôm nay bả qua bả mượn má 500k nói cuối tháng con Khoa(lấy chồng Việt Kiều Úc) nó gửi tiền về rồi bả trả.
  - Rồi má có cho bả mượn hông?
  - Hông, tại má đóng hụi hết tiền rồi nên hổng có cho bả mượn!
  - Hú hồn, con dặn má rồi không cho bả mượn nữa khi nào bả trả mấy trăm cũ rồi hãy tính
  - Ờ, nghe nói con Khoa nó bỏ chồng rồi đó
  - Chài, kệ người ta, chắc không hợp nên li dị thôi có gì đâu má.
  - Ờ, ông đó già bằng ông ngoại mày rồi mà ...
  - Con Mén xóm trên(lấy chồng Đài Loan) mới dzìa đó, nó đẹp lắm nghen con, dzòng dzàng đeo đỏ tay.(Chắc vàng lên nên má tui thấy ham)
  - Mà má kể cho con nghe chuyện này nghe hổng biết sao má thấy sợ quá con coi chừng bị người ta dzụ dzỗ nghen!!!
  - Chuyện gì má?!?!!?
  - Con Châu con bà Thanh bán cá đó nghe đồn đi bị ông thầy nào dzụ dzỗ đem hết tiền bạc theo ổng lên núi Tà Lơn tu luôn rồi.
  - ...?!?!!Mà sao má biết mấy dzụ này?!?!?
  - Má nghe bà Hai nói chứ đâu
  - Chài, bà Hai bị liệt mà sao bả biết?
  - Bả nghe con Hà bán tép nói nên bả biết. Con Hà nói bà Lan gà vịt kể cho nó nghe vụ con Châu.
  - ... ?!?!?! Chài ai,má ơi toàn tin đồn tào lao hông à mà má nghe chi vậy?!?!
  - Dzậy thui nghen cuối tuần về đi rồi nói tiếp.
  - Dạ ...

Lên mà hổng xuống!

  Sáng hôm qua tôi ra chợ đi một dzòng xong dzìa nhà trả tiền chợ lại chỗ cũ hổng mua gì hết,chị tôi nhìn tôi, ngơ ngác hỏi:
- Ủa, sao dzị? Sao không mua đồ ăn?!?!
- Đợi chút, em đi mua một cây sào về cái đã.
- Chi dzậy?!?!?
- Để khều giá nó xuống mới mua nổi, chứ chi?
- ...
   Bà chị thấy tôi khùng quá nên hổng nói nên lời, bỏ đi làm luôn. Tôi lấy giấy viết thật to "HÔM NAY, TỰ ĂN CHIỀU" dán trước tủ lạnh.
   Tôi thật là sai lầm khi nói vàng lên hay xuống có ảnh hưởng gì tới mình đâu. Ai dè vàng lên thì giá cũng lên theo, mà vàng thì có lên có xuống còn giá thì lên hem à hổng có xuống. Hjxhjx ... Lương chưa kịp tăng mà giá tăng vùn vụt, nhà tôi già trẻ lớn bé là tám người lúc trước đi chợ 100k (chỉ ăn buổi chiều) là ăn phủ phê  bi giờ tiền chợ chị tôi đưa gấp đôi mà tôi đi lẩn quẩn hổng mua được gì ráo trọi. Hết muốn nấu nướng :(
   Tụi nhỏ mặt mày hớn hở khi thấy thông báo của tôi, chắc là tụi nó mừng lắm khi khỏi phải ăn đồ ăn do tôi nấu. Hôm trước tôi đã mua 1kg đậu bắp, cà chua, dưa leo với 1 hũ chao bự cho tụi nó ăn cho sạch ruột (vậy mà cũng hết 60k).Tội nghiệp hổng đứa nào phản ứng gì (chắc sợ nói thì tôi cho nhịn luôn) ráng ăn cho hết mấy thứ đó.
   Tôi định ăn trưa cho thiệt no rồi chiều dzìa ăn mì gói, nhưng chàng đã  rủ tôi đi ăn Cà ri dê Musa ngay An Đông, lâu quá hổng ghé đó bi giờ quán còn đông hơn xưa, cà ri vẫn cay, dê vẫn ngon nhưng giá lại tăng 105k một dĩa cà ri lớn, lần trước tôi ăn có 85k à. Xong món dê, tôi đi ăn trái cây dĩa ngoài khu Trần Khắc Chân, quán đông quá không có chỗ ngồi luôn, chủ quán thấy khách quen sắp cho một cái bàn ngồi ngoài đường, ăn dĩa trái cây ú ụ có si rô sữa, rau câu giòn giòn thơm mùi lá dứa ngon tuyệt cú mèo nhưng khi tính tiền thì là 12k một dĩa. Thêm một món lên giá trong tuần này, tuần trước có 10k à. :(
   Trên đường dzìa ghé ngang quán kem trong hẻm chợ Đa Kao mua cho nhỏ cháu nhỏ ở nhà hai ly kem nhãn đậu hết 16k, hôm Chủ Nhật hai dì cháu ăn có 7k một ly á. :(
   Tình hình chung là thế cái gì cũng lên giá vèo vèo, lên thôi chứ hổng xuống tẹo nào, nên chỉ còn một cách sống chung với nó thôi, mình thì không có thể bay lên như nó được, mà lương thì lên hổng kịp với giá chắc có nước đu dây điện theo giá quá. Nói thế thôi chứ sáng nay cũng đã đi chợ nấu ăn rồi để ăn bờ ăn bụi hoài hổng tốt cho sức khỏe, lỡ bịnh cái là tiêu vì nghe đồn thuốc tây cũng lên giá lắm ùi ...

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Những cuộc chia tay & những giấc mơ!

1. Cách đây sáu năm, ngay mùa Euro tôi có một giấc mơ làm rất tôi sợ, đó là tôi mơ thấy tôi với chàng của tôi lúc đó (có thể gọi là cựu người yêu) chở nhau bằng xe máy đi trên một con đường đất đầy bùn sình giữa trời mưa lớn, đến khi dừng lại thì thấy tới một cái chùa giữa nơi vắng lắm và tôi bước vô chùa đó người rất đông nhưng không có ai đón tiếp tôi hết, tôi đi loanh quanh khắp chùa toàn thấy hình vong không, không thấy Phật đâu cả, càng lúc tôi có cảm giác càng sợ …và nỗi sợ lớn dần lên đến khi tôi giật mình thức dậy vẫn còn thấy sợ. Tôi đã kể cho tía tôi nghe và tía trầm ngâm một hồi rồi nói, điềm xấu chứ không tốt có lẽ chuyện hai đứa không tới đâu đâu. Mà lúc đó tôi còn trẻ còn ham ăn, ham chơi chứ có tính tới đâu là tới đâu đâu. Tôi bỏ qua lời tía nói.
Vào một ngày đẹp trời, sau mười ngày không gặp gỡ và chỉ có một tin nhắn gửi cho nhau, chàng hẹn tôi đi uống café rồi nói với tôi là:
-         Anh, anh đang thích chị Xuân (hơn anh năm tuổi làm chung công ty)!!!
-         ….
-         Ý em sao?!?!?
Thật là bất ngờ, bất ngờ ở chỗ, tôi nghe chàng nói thế mà không nổi điên hay tức giận gì hết đó, tôi chỉ có cả giác nhẹ nhõm như vừa trút xong gánh nặng. Tôi nhỏ nhẹ nói với chàng là:
-         “ Em phải về thôi, xa anh thôi”.
Xong đi về, kết thúc một chuyện tình đã được tía tôi dự đoán qua giấc mơ của tôi.
Thời gian sau tôi không buồn rầu hay thất tình gì ráo trọi đó, có lúc tôi nghĩ nếu tôi và chàng chia tay chắc tôi phải đau khổ lắm chứ nhưng vào thời điểm đó tôi không đau khổ như tôi nghĩ chỉ thấy mất mát và trống vắng chút đỉnh. Chắc vì tôi khô khan quá không có tình cảm nhiều hay vì tôi có những người bạn tuyệt vời quá không bao giờ để tôi buồn mà cũng có thể là tôi với chàng duyên nợ tới đó đã hết nên đường ai nấy đi không thấy vướng bận gì, nhẹ nhàng bước qua đời nhau như là một việc phải làm, giống như trước mặc đồ đi tiệc thì phải soạn và thử quần áo, bạn có thể thử 2, 3 bộ đồ thậm chí nhiều hơn nhưng cũng chỉ mặc được có một bộ mà bạn thấy phù hợp nhất với bạn thôi, đôi khi chưa chắc là bạn đã thích bộ đồ đó nhất. Tôi với chàng chắc là đang trong quá trình soạn đồ của đời mình thôi.
2. Tối hôm qua đang ngủ lơ mơ thì tía tôi điện thoại cho tôi với giọng hơi lo lắng dặn dò:
    - Con nhớ giữ đồ cẩn thận nhe, tự dưng tía nằm chiêm bao thấy mất cái xe vàng (Wave Alpha màu vàng), tía thấy lo quá!
   - Dạ, ủa mà tía chạy nó mà có phải con chạy đâu mà cẩn thận !?!?! O_O
   - Ừ, tía biết rồi nhưng nó là của con nên tía sợ con mất đồ nên tía dặn phòng hờ vậy mà.
   - Dạ, con biết rồi.
Tôi cứ nghĩ tại tía tôi lo cho tôi quá nên nghĩ lung tung rồi mơ linh tinh chứ hổng có gì đâu. Tôi cũng chẳng thèm cẩn thận đồ đạc như lời tía dặn nữa. Một lần nữa tôi đã bỏ qua lời tía cảnh báo, nên hồi chiều tôi đã phải chia tay cái điện thoại mới mua được mấy ngày nay, buồn nẫu ruột, thật tình nó không đáng giá bao nhiêu vì tôi  mua nó có 399k à, dùng để gọi sim khuyến mãi. Nhưng mất hết số điện thoại bạn bè, khách hàng và những tin nhắn địa chỉ, email là cái làm tôi tiếc nhất mà cái đó thì vô giá không tính bằng tiền được.
Tôi biết cả ai lấy điện thoại của mình luôn, nếu là cách đây ba năm thì tôi đã đòi xét giỏ, xét túi quần để tìm lại cho bằng được nhưng bây giờ tôi đỡ sân si hơn rồi nên không làm chuyện đó nữa. Tôi nghĩ mình làm ầm lên thì sẽ lấy lại được nhưng  như vậy thì có người sẽ mất việc làm chỉ vì cái điện thoại chưa tới 400k của mình, tôi nhìn vào mắt người đó thấy rõ nét run rẩy và đầy hối hận chứ hổng thấy nét gian xảo, điêu ngoa nào hết, tôi thấy mủi lòng, thôi bỏ qua luôn. Nghĩ lại cũng tại mình, mình để đồ hớ hênh quá nên khiêu gợi lòng tham của người ta thôi chứ người ta có móc túi mình lấy đâu mà nói người ta ăn cắp. Tự dặn dò mình là lần sau đừng có để hớ hênh cái gì làm khiêu gợi ai nữa.
Đúng là "cá không ăn muối cá ươn mà" . Tía ơi mơi mốt con sẽ nghe lời tía cảnh báo mà! Mà biết đâu mất cái điện thoại cùi này là may đó tía, người yêu mà con còn làm mất được mà huống hồ chi cái điện thoại cỏn con này, hén tía hén!!!!!


Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Cá hủn hỉnh

Điên điển mà đem muối chua
Đem cặp cá nướng đến vua cũng thèm!
     Hổng biết vua có thèm hay không thì tôi không biết nhưng tôi thì đang thèm món đó chảy cả nước miếng. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ khoảng 13, 14 tuổi gì đó mùa này được nghỉ học khoảng 10 ngày vì nước ngập tôi theo má tôi về ngoại để làm cỏ dọn đất chờ nước rút sạ vụ Đông Xuân,mùa này điên điển nở đầy bờ ranh và rụng đầy sông má tui đi ruộng về chỉ cần rung rung cái cây điên điển là nó rụng xuống xuồng rồi lấy rổ vớt lên đem về làm dưa chua , nói là dưa chua cho oai chứ má tôi nấu một nồi nước muối để nguội rồi nhấn bông điên điển vô để một hai ngày thì lấy ra chấm nước cá ăn. Vậy mà lúc đó tôi ghét ăn cá lắm tối ngày cứ cá kho,cá nướng chứ hổng có cá chiên vì hổng có mỡ, dầu gì ráo.
       Cậu Chín tôi đi giăng câu, đặt lờ, đặt lợp được cá ngon như cá lóc, cá trê, cá lăng hay cua kình càng thì má tôi lại đem ra chợ Dinh (một chợ vườn ở Nha Mân) bán hết, chỉ chừa lại mớ cá hủn hỉnh để ăn. Mà lúc đó má cũng không có thời gian để mà nấu ăn ngon nữa nên chỉ cá kho và rau tập tàng, bầu, mướp, bí, đọt lục bình, rau chai ... luộc chấm cá. Có hôm tôi bịnh má làm "sang" để lại con cá lóc nhỏ bằng cùm tay định nấu cháo cho tôi ăn. Lúc đó tôi ghét ăn cháo lắm, tôi nói với má là nướng con cá lóc đó cho con đi con thèm cá lóc nướng quá, mùa này thì không có rơm để nướng nên má nướng bằng than củi cho tôi. Tôi ăn cơm với cá nướng và dưa chua bông điên điển xong là hết bệnh luôn, hỏng biết là nhờ tài cạo gió của dì Sáu tôi hay nồi lá xông của bà ngoại hay nhờ cá nướng và dưa muối mà tôi hết bệnh.
       Bây giờ thịt cá nhiều quá mà tôi thấy không ngon, lại thèm ơ cá hủn hỉnh kho tiêu và dĩa rau tập tàng má nấu, thèm dưa chua điên điển ăn cặp cá lóc nướng nữa, trong khi hồi đó chỉ ước ao có một  ngày mình khỏi phải thấy ơ cá hủn hỉnh trên bàn cơm. Nhớ và thèm quá đi thôi ... má ơi!

Ghi chú: Cá hủn hỉnh không phải là tên gọi của một loài cá nào mà là sự tổng hợp của nhiều loài cá nhỏ, vụn vặt như: cá lòng tong, lòng ròng, bảy chầu, thia lia, cá sặc con, cá rô con...

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Chờ đợi chi mãi, uổng công đợi chờ

Tôi nhớ trong bài "Tình anh bán chiếu" Út Trà Ôn hát có câu "chờ đợi chi mãi, uổng công đợi chờ". Tôi bây giờ cũng thế! Có một cuộc hẹn ở Lamode vào 5h chiều, mới 4h30 trời đã mưa tầm tã nhưng cũng ráng lội mưa đến, chọn một bàn ngay góc đường Tôn Thất Tùng và Bùi Thị Xuân ngồi chờ. Chờ bạn hoài hổng thấy tới mà gọi điện hổng bốc máy làm lo gần chết sợ bạn có tai nạn trên đường đi. Đến gần 6h có 1 SMS gửi đến cáo lỗi là trời mưa hẻm đi. Chán cái thế thái nhân tình này quá nên hổng thèm về nhà luôn, tự thưởng cho mình đĩa bò lúc lắc, ly cam vắt và mở máy tính, lên blog viết linh tinh kể lể chuyện những ngày đã qua.

1. Hổm rày đường về nhà nước ngập quá chừng, trời mưa cộng với triều cường lên nên sáng ngập, chiều ngập, ổ gà, ổ dzoi xuất hiện đầy rẫy trên con đường nhỏ quen thuộc. Đáng lẽ đi ngã Hàng Xanh về là an toàn rồi đằng này mình cứ cảm tính mà đi nghĩa là đi con đường Bùi Hữu Nghĩa chui qua hẻm Chính Lộ ra đường Điện Biên Phủ rồi mới quẹo dzô nhà, hẻm nhà thì không ngập nhưng đường Bùi Hữu Nghĩa và hẻm Chính Lộ thì ôi thôi "nước lũ dâng cao". Hôm qua đã phải trả giá cho việc làm theo cảm tính đó ùi,xe trước sụp ổ gà, mình thắng không kịp hun xe trước, té lật ngang bị xe đè lên, hú hồn là không bị xe sau cán, nếu không thì ... Tổng thiệt hại là: chia tay cái điện thoại thân iu (Lòng tự dặn lòng là không xài điện thoại nào trên 500k nữa nhưng nghĩ lại vậy sao blog hay facebook được ta, nên thui rút lời dặn lòng lại),chia tay thêm cái áo đẹp và một chiếc giày trôi theo dòng nước.
Một anh bạn đã than: "Hôm qua anh tát nước đầu đình cả đêm, anh ở Xì Phố mà làm như ở miệt bưng điền nào í, lũ lụt từa lưa". Haizzz ... "nước lũ dâng cao gieo bao nỗi sầu đau". Má ở Đồng Tháp hong bị lũ con ở Xì Phố mà lũ tùm lum ... nghịch lý, nghịch lý.

2. Nói chuyện nước lụt, tôi nhớ chuyện cũ thời "năm Thìn bão lụt" bây giờ lôi ra kể lể. Hồi tôi còn nhỏ, lúc đó mấy ông nhà nước chưa đắp cái đập để ngăn dòng chảy xoáy lở đất trên con sông Tiền nên chỗ tôi ở năm nào cũng có vài cái nhà bay xuống sông.
Nhà tôi ở xóm Chài, phường 4 thị xã Sadec, người dân ở Sadec nghe tên phường 4 cũng như dân Xì Phố nghe danh quận 4 vậy. Xóm Chài của tôi ai cũng làm nghề chài lưới và đóng đáy hết trừ nhà tôi ra, nhà tôi thì tía tôi buôn thuốc lá còn má thì mần ruộng mà ở xóm Chài thì làm gì có ruộng mà mần nên má phải về Nha Mân (nhà ngoại)mua đất và mướn người mần chuyện này hôm nào kể cho nghe cũng hấp dẫn lắm. Nói chuyện xóm Chài trước đi, phường 4 là một cái bán đảo giống như bán đảo Thanh Đa ở đây vậy đó cả hai mặt trước và sau đều là nước trước mặt là dòng Sa Giang (người Sadec gọi là sông Sadec)sau lưng là sông Tiền mênh mông, dân xóm Chài không gọi sông Tiền mà gọi là sông Cái cho nên tới năm lớp 9 khi học địa lý tôi mới biết sông Cái sau lưng nhà mình là sông Tiền....hixhix.Lúc chưa có đắp đập thì như một cù lao bốn bề là nước.
Xóm Chài thu nhập nhiều nhất là vào mùa này gọi là mùa nước quây, nhà nào ở đây cũng có đóng đáy trên sông Cái hết, mùa này cá linh từ Biển Hồ đổ về nhiều lắm nên mỗi nhà thu được mỗi ngày cũng mấy tạ cá linh. Ông bà ta hay nói "năm Thìn bão lụt" là có cơ sở chứ hỏng phải nói cho vui đâu, tôi nhớ năm 2000 lúc đó nhà tôi vẫn còn là nhà ngói ba gian, nền gạch tàu, vách lá, năm đó lụt nặng đến nỗi trôi vạt giường ngủ của tôi luôn, năm đó xóm Chài trúng mùa cá linh quá chừng tôi nhớ thím Phi kế nhà tôi khoe với má tôi là qua mùa nước sắm được cả cây vàng, mà tôi cũng nhớ má tôi mua 2 tạ cá linh để ủ nước mắm cho cả nhà có160k à, vậy là có 800đ/kg cá linh. Nhưng rồi từ đó đến nay không năm nào lụt nặng như năm 2000 nữa mà cũng không có năm nào xóm Chài trúng cá như năm 2000 càng ngày nước hổng còn quây nữa. Rồi tôm cá cũng ít dần đi dân xóm Chài bỏ nghề cũng nhiều trai thì lên Xì Phố tìm việc làm gái thì lấy chồng xứ Đài ai khá hơn thì kiếm Việt Kiều. Xóm Chài chỉ còn là cái tên trong quá khứ bây giờ chủ yếu là buôn bán cá chứ không còn chài lưới như xưa nữa.

Buồn bực trong lòng nhớ chuyện cũ, chuyện mới lộn xộn nên viết linh tinh đọc hổng hiểu gì ráo, bài viết không ra giống gì nhưng thôi kệ coi viết blog là giải khuây đi. Để đó, nhất định không sửa để mai mốt khi mình tỉnh táo lại coi lúc mình khùng khùng mình viết những gì, cũng hay hay.
Have a bad day!

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Một chuyến đi

1. Chuyến đi Châu Đốc vừa rồi thật là gấp rút 12h đêm đi 9h sáng về (không kể 5-6 tiếng ngồi xe). Thời gian thực sự ở Châu Đốc chỉ có 3 giờ đồng hồ. Nên kế hoạch là đi Chùa xong là ở lòng vòng khu vực đó luôn đợi tới giờ xe trung chuyển rước về chứ không đi đâu hết vì thời gian quá ít. Nhờ đi ban đêm đường vắng nên 5h sáng đã đến bến xe Châu Đốc, lên xe trung chuyển đến chùa Bà có 15 phút, cứ tưởng mình đến đây là sớm nhất nhưng giờ này trong chùa đã tấp nập khách thập phương đến cúng chùa mặc dù không phải mùa vía Bà.

Chùa Bà lúc 5h30 07/11/2010
2. Tôi đi đến đâu cũng vậy, nơi đầu tiên tôi muốn đến là chợ ở xứ đó,theo tôi thì muốn biết văn hóa của một vùng đó như thế nào thì ra chợ biết hết. Tôi đến Châu Đốc rất nhiều lần mà lần nào cũng phải ghé chợ một chút, mặc dù không mua bán gì nhưng tôi vẫn thích đi một vòng chợ để ngửi mùi thơm của mắm. Sau khi đi một vòng cúng kiến ở Chùa Bà xong cũng mới có 6 giờ sáng, tôi quyết định đi ra khu vực trung tâm thị xã, gọi taxi không được tôi đành đi xe ôm, chàng nhà tôi đòi đi xe lôi cho nó lãng mạn nhưng tôi không chịu tôi thấy mình thật là tàn nhẫn khi ngồi trên xe để cho người ta cong lưng đạp chở mình mặc dù biết đó là đánh đổi sức lao động nhưng tôi thấy khó chịu và cắn rứt lắm.Trên đường về hai đứa tôi đã tranh luận về vấn đề này gay gắt, chàng nói ai cũng như tôi thì mấy người đạp xe lôi sao mà sống, còn tôi nói như vậy là bóc lột dã man sức lao động của người ta. Và một điều thú vị nữa là giá xe lôi đạp ở đây bằng giá xe ôm nghĩa là 15k/người từ Chùa Bà về tới trung tâm thị xã.
Tô bún nước kèn

3. Món ăn tôi thích nhất ở Châu Đốc không phải là bún cá, hay bún mắm như chàng của tôi, mà là món bún nước kèn. tôi biết món này vào năm 2000 khi tôi về nhà một người bạn ở đây chơi và được nó dẫn đi ăn.Lần này mặc dù thời gian eo hẹp nhưng tôi vẫn trở ra trung tâm thị xã chỉ để ăn sáng bằng món bún này trước cửa trung tâm Mobifone. Món này có lẽ ít du khách biết đến vì tôi ngồi đó cả buổi sáng mà chỉ thấy toàn dân địa phương ghé ăn thôi, theo tôi  biết thì ở Châu Đốc chỉ có 2 chỗ bán món này một là trước cửa Mobifone xéo xéo Bồ Đề Đạo Tràng còn một chỗ nữa là ở đường Lê Công Thành A nhưng tôi chưa hề ăn món này ở Lê Công Thành A bao giờ nên không thể nhận xét chỗ nào ngon hơn. Bún nước kèn là một món giống giống như càri cá lóc đồng ăn với bún và rau chuối, rau muống bào, giá...Đặc biệt ngon là ở chỗ tô bún toàn là cá lóc đồng thịt vừa ngọt vừa dai có thể nói không ở vùng nào nấu ngon bằng, nước kèn vừa béo vừa thơm mà không ngậy. Tôi chén đến 2 tô luôn, mà  rẻ cực kỳ có 10k/tô à. 10k 1 tô bún toàn cá lóc đồng thơm ngon và ngọt lịm, chàng nhà tôi ăn bún mắm trong chợ 25k/tô mà toàn là bạch tuột với tôm không à không có miếng cá nào, đến xứ cá mà không ăn được ăn cá.
Một góc Châu Đốc nhìn từ Mobifone
4. Tôi nói với chàng là tôi đã đi hết các tỉnh ở miền Tây rồi nhưng chưa chỗ nào tôi vẫn thấy ấm áp và vui khi quay trở lại như Châu Đốc, cảm giác đứa trẻ con được về quê ngoại. Chàng nói là Châu Đốc giống giống Sadec nên em có cảm giác như vậy đó.Tôi thấy chàng nói đúng, Châu Đốc khá giống Sadec của tôi nên tôi có cản giác đó là phải, nhất là khu vực xung quanh chợ, có lẽ ngày xưa khu vực này nhiều người Hoa sinh sống và Sadec cũng nhiều người Hoa nên giống nhau chăng? Kiến trúc ở đây hao hao giống Sadec,kiến trúc Pháp lai Hoa, Châu Đốc cũng còn khá nhiều nhà cổ như Sadec, chợ cũng vậy, đặc biệt là cũng có rất nhiều chùa chiền giống Sadec nên tôi thấy rất thân thiện và thoải mái khi đến đây.
Một chuyến đi gấp rút nhưng cũng nhờ đó mà phát hiện ra nhiều điều vui vui, là xứ này giống xứ mình, là xoài keo ở Châu Đốc rất ngon, là nước thốt nốt ở Châu Đốc là nước đường chứ không là nước thốt nốt thiệt vì nước thốt nốt nguyên chất mà tôi đã uống của người Khơ - me xứ chàng tôi rất hôi khói còn ở đây thơm quá chừng.

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Nhớ...có một chữ nhớ!

"Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ?
Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều"
(Thơ: Đỗ Trung Quân)

Quê hương là gì? Thì tôi cũng không thể định nghĩa được.Không đơn thuần là nơi sinh ra và lớn lên của tôi!?!?!!? Có lẽ mãi mãi cũng không định nghĩa được nhưng tôi biết mình rất yêu và rất nhớ không cần phải đi xa mới nhớ. Tôi đi Châu Đốc bằng chuyến xe 12h đêm của nhà xe Phương Trang. Dự kiến xe sẽ đi ngang Sadec lúc 3h sáng, từ khi xe rời trạm dừng chân ở Cái Bè tôi đã không ngủ được thấy nhớ nhà kinh khủng lúc đó chỉ có một mong ước là xe sẽ chạy ngang Sadec cho mình nhìn một chút thôi cũng được, cũng đỡ nhớ. Nhưng xe không chạy ngang nội ô thị xã bé nhỏ của tôi mà đi tuyến đường vòng tránh thị xã tôi thấy hụt hẫng chút ít nhưng thôi cũng an ủi với mình là trưa mai mình về biết đâu xe sẽ chay ngang cho mình ngắm một tí. Trưa mai tôi về, tới cầu Phú Long xe lại rẽ ra tuyến đường vòng mà không đi ngang nội ô, tôi chỉ có thể cảm nhận mình đi đến đâu của thị xã qua cột ăng-ten cao cao kia là ngay góc ngã tư đèn xanh đèn đỏ cạnh bưu điện thị xã, chóp hình thánh giá là nóc nhà thờ Sadec ngay cầu Hòa Khánh ... xe chạy vừa qua tuyến đường vòng đó trở lại Quốc lộ 80 thì tôi bật khóc, khóc nức nở như đứa con nít đòi kẹo mà không được. Đây là lần đầu tiên tôi đi ngang qua Sadec mà không được nhìn ngắm cái thị xã bé nhỏ này. Mặc dù nhiều lần đi Châu Đốc, Hà Tiên mà không ghé nhà được tôi cũng không buồn bằng lần này vì ít ra những lần trước xe còn được đi ngang qua nội ô thị xã còn ngắm nghía được còn cảm nhận được chút không khí quê nhà. Đến giờ tôi mới biết không cần phải đi xa mới nhớ nhà. 

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Lo bò trắng răng

1. Tôi hong hiểu sao mỗi lần đài kêu vàng lên là má tôi rầu rầu gọi điện thoại cho tôi chỉ nói có một câu :
 - Vàng lên nửa rồi đó con.
 - Con biết rồi hoặc Ủa, lên nữa hả má? Bao nhiêu gồi? Tùy tình hình lúc đó có trên vnexpress hay không.
 -Vậy thôi nghen.
Rồi cúp máy. Mấy lần trước tôi hỏng hiểu tại sao má mình lại  quan tâm đến giá vàng như vậy? Nhưng rồi cũng bỏ qua. Lần này tôi quyết tâm hỏi xem tại sao?
- Sao vậy má? Vàng lên hay xuống kệ nó ảnh hưởng gì tới mình mà hở một chút vàng lên là má rầu? Hay nhà mình thiếu nợ ai bằng vàng hả?????
Má tôi trả lời một câu nghe chưng hửng :
- Hỏng lo cưới đi để nó lên hòai mai mốt người ta cưới hổng nổi thì sao?!?
Chài ai nghe hết hồn
- Má lo bò trắng răng không hà?!!?
Tự dưng thấy thương má quá, thôi hứa với lòng là sẽ cưới trong năm sau để hai nhà hối hoài trong khi hai đứa còn ham chơi.
2. Hổm nay lu bu quá chừng vì phải lo làm kế họach triển khai bán hàng mà bán đất nghĩa trang nữa mới ghê chứ. Tôi lo quá xá hỏng biết nói sao với khách hàng khi sale ta hỏng lẽ nói anh/ chị mua một lo để dành mai mốt chết có chỗ chôn. Nói kiểu đó chắc bị chửi té tát quá ta. Tôi đã nghĩ tới cách tìm đến các trại hòm coi cách họ mua bán mặt hàng nhạy cảm này như thế nào về mà học hỏi để bán cái dzụ này. Nói suy nghĩ đó cho sếp sếp cười quá chừng, phán một câu:
- Em cứ lo bò trắng răng, bây giờ chết  không có đất mà chôn, tung ra bán khối người tự tìm đến mua chứ không chào hàng gì ráo hết!
Phù, phù ... may quá. Vậy mà làm lo muốn chết.

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Ếch ngồi đáy giếng

Hồi đó đến giờ tôi luôn nghĩ mình là người khá hiểu biết tuy không đến nỗi xuất chúng nhưng cũng đủ để xài, nhưng với những phát hiện ngày hôm qua tôi thấy mềnh như một con ếch ngồi đáy giếng, cóc ổi mía ghim mà tưởng mềnh là bom lê xá lị.Hixhix ...
1. Tôi đi làng Hà Lan thì tôi mới phát hiện ra Philips là nhãn hàng đồ điện gia dụng của Hà Lan vậy mà hồi đó đến giờ tôi nghĩ nó là của Philippines. ^_^
2. Tôi phát hiện ra bò bông là bò chuyên cho sữa  mà người ta gọi là ... bò sữa, hồi nào đến giờ tôi nghĩ sữa bò là khi nào con bò nó đẻ thì nó có sữa cho bò con bú không hết người ta mới vắt sữa thừa đi chế thành sữa bò. (mình ngố phải nói ).*_*
3. Tôi có một khách hàng người Hà Nội nói với tôi rằng rất thích ăn nem. Khi chị ấy vào công tác trong này tôi đã tặng cho chị mấy xâu nem mà chị ngơ ngác hỏi "ủa, nem chua hả em?" rồi phá ra cười. Tới lúc này tôi mới biết nem là chả giò ... hixhixhix.
Có những chuyện tưởng đơn giản và mình hiểu chúng ai dè đâu mình cũng hiểu mà hiểu sai bét.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Chuyện tùm lum

1. Chuyện gửi xe, chuyện đơn giản mà hóa ra phức tạp . Nhớ hôm rồi dzìa quê, chở má đi siêu thị để mua ít đồ  khi tới siêu thị thì bãi giữ xe của siêu thị hết chỗ rồi, tôi chạy lòng vòng xung quanh kiếm chỗ giữ xe mà không có nên hai má con đành ra về. Trời ,chuyện không có chỗ gửi xe tưởng chỉ có ở Xì Phố thui chứ ai dè bi giờ cả cái tỉnh lỵ nhỏ bé của tôi cũng kẹt chỗ giữ xe nửa hả trời.
Tôi đi học trên đường Trần Quang Khải nhưng phải gửi xe ở tít dưới Đặng dung rồi lòn hẻm chui ra. Haizzz gửi xe trả tiền mà nhục như con cá nục vậy đó hôm nào đi sớm thì còn có chỗ gửi hôm nào đi trễ thì ôi thôi bị chửi và xua đuổi làm bực mình dễ sợ. Hôm qua đã nghỉ học vì cái dzụ này òy. >_<

2. Tôi gặp một gã biến thái trên đường đi làm về, có vẻ gã làm thợ hồ vì tôi thấy gã chở  mấy dụng cụ làm hồ đó trên xe máy của gã. Lúc tôi đang bực mình vì kẹt xe ở ngã tư ĐBP và NKKN thì có một bé có lẽ là sinh viên năm nhất đi xe đạp cạnh bên tôi nhìn tôi mếu máo chị ơi cái tên đó đi theo hòai còn làm gì kì lắm, tôi bèn nhìn vào hướng nó chỉ thì thấy cảnh tượng rùng rợn : hắn khoe "hàng" cho con bé xem. Tôi không tưởng tượng ra nổi giữa Xì phố đang giờ tan tầm đông đúc người qua lại mà gã dám làm như vậy. Tôi đơ người ra vì tình huống quá bất ngờ hổng biết làm sao chứ hẻm phải gì cái gì đâu nha. Nhưng tôi sực nhớ là trong giỏ mình có con dao rọc giấy tôi xuống xe mở cốp lấy con dao ra chỉ về phía hắn. Phần hắn thấy có người phát hiện bèn lật đật kéo khóa quần lên và dzọt xe lên lề chạy ngược chiều đi mất. Tôi ước gì mình biết một câu chửi thề bằng tiếng Ảrập thì tôi sẽ chửi liền (cho hổng ai biết). Con bé ấy cảm ơn tôi rối rít rồi năn nỉ : "Chị chạy chầm chậm cho em theo chị tới ĐTH nhé!". Tôi gật đầu chạy kè kè với nó cho tới cầu BHN nó quẹo vào hẻm nhà nó mới thôi.Thương quá, những ngày đầu lên Xì phố mình cũng như nó cái gì cũng sợ, ở đây riết rồi cái gì nó cũng sợ mình (giống quỷ ghê hông). ^_^

3. Chủ nhật này là đầy tháng bé con ở nhà,  con nít lớn nhanh như trái bầu trái bí vậy đó mỗi ngày mỗi khác. Bây giờ nó không khóc ngằn ngặt nữa chỉ có la hét thôi. Nhưng đáng yêu dzô cùng

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Cận thị lợi hay hại?

Cận thị lợi hay hại?!?!Tôi tự hỏi mình hòai câu hỏi đó, nhưng tía tôi khen con đeo mắt kính thấy đẹp ra - chắc có lẽ ngày xưa cô bồ cũ của tía cận nên tía thấy ai đeo mắt kính đều đẹp.Chàng nhà tôi hỏng có cận nhưng lại muốn đeo kính nhìn cho nó tri thức. Nhưng kể ra tôi không thích đeo kính tí nào vì đeo cái kính vào tôi thấy mặt mình ngu ngu sao í,  không có kính thì tôi tự tin với gương mặt mình hơn vì thế tôi thường không đeo kính. Người cận thị khi không đeo kính thì không bao giờ thấy rõ rệt những vành bao phía ngòai của các đồ vật. Đối với tôi, khi không đeo kính tất cả mọi vật đều có hình dáng hết sức lờ mờ. Một người có thị giác bình thường khi có thể phân biệt được từng lá, cành cây riêng biệt trên nền trời. Còn tôi thì chỉ nhìn thấy một khối màu xanh không có hình thù rõ rệt, mờ mờ ảo ảo, như một hình kỳ lạ vậy. Nhưng cận thị mà không đeo kính thì cũng có cái lợi của có nhé :
- Trong mắt tôi mặt người nào cũng trẻ trung quyến rũ hết á chắc tại vì tôi không nhìn thấy rõ những nếp nhăn và những vết sẹo nhỏ.
- Đi mưa thì không phải ước gì mắt kính mình có cần gạt nước như xe hơi.
- Không đeo kính thì tôi không dám phóng nhanh vượt ẩu chỉ dám chạy chậm chầm chậm thôi .
Lợi thì ít xỉn nhưng hại thì quá chừng nè :
- Ban đêm, tôi không nhận ra những chiếc xe hơi đang phóng lại gần mà chỉ thấy hai vùng sáng chói lòa (hai đèn pha ô tô), đằng sau là một khối tối om. Hixhix ... có lần chạy ngược chiều trên cầu ĐBP suýt chết vì tưởng đó là 2 cái chiếc xe máy chạy song song với nhau nên định phóng vào giữa làm tài xế bóp kèn inh ỏi và chửi tôi quá chừng.
- Có lần ông anh của chàng tôi gặp tôi trên đường vẫy tay chào mà tôi hỏng chào lại ổng về mách mẹ chàng là tôi với chàng có chuyện gì rồi nên gặp ổng mà tôi không chào ... oan quá, tôi nào thấy rõ ai đâu.
- Tôi không chơi đánh cầu lông nửa vì không thấy trái cầu đâu sao mà đỡ.
- Hôm qua đưa nhỏ cháu đi học lớp tiếng Nhật vì sợ trễ nó hối chạy muốn chết quên đeo kính luôn, khi về tôi bị hai anh bồ câu thổi vì tội lấn tuyến mà tôi đâu có thấy ảnh chỉ tôi đâu nên tôi dzọt thẳng ai dè ảnh lấy ngựa chiến rượt theo tôi. Tôi ngơ ngác hổng hiểu sao anh í chạy theo mình mà còn kêu mình tấp dzô, hồi nảy đi gấp hỏng có giấy tờ xe, bằng lái, quan trọng là hỏng có tiền nửa nên tôi lo vô cùng... hixhixhix, Sau một hồi nạt nộ và lên lớp cho tôi một bài học vì tội công an thổi mà dám bỏ chạy, tui phân bua là em cận mà không mang kính nên không thấy mấy anh thổi, anh ấy nhìn tôi đầy nghi ngờ xong anh ấy hỏi giấy tờ, cái gì tui cũng nói hỏng mang theo hết, ảnh cũng ỏai nên gắt:
-  Làm gì mà ra đường không mang gì theo vậy?Có tin tui giam xe không?
Tui thật thà : - Dạ tin, Em đưa nhỏ cháu đi học, gấp quá nên hỏng có mang gì ... em ... em ...em cũng hỏng còn xu nào để mời anh uống cafe thuốc lá nữa. Anh thông cảm cho em.
Ảnh trợn mắt ngó tôi một hồi như ước lượng,rồi nói : - Thôi chị đi đi.
Mừng húm , tui cám ơn rối rít rồi lên xe dzọt lẹ, trên đường dzìa tôi còn hỏng hiểu sao hai ảnh thả mình nữa chắc tại thấy tui tà lỏn áo thun dép lê mặt mày ngơ ngác như nuôi con mọn nên tha chăng.
Đây là lần đầu tiên tôi bị bồ câu vịn mà không tốn xu nào nên tôi hớn hở vô cùng, nghĩ chắc tại mình ở hiền gặp lành nhưng dù sao trong lúc ngâm cứu chuyện mổ mắt thì cũng ráng mà đeo kính chứ chưa chắc lần sau hên như vậy.Kể ra cũng vui.

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Mong muốn chứ hẻm phải mông muốn

Hồi nhỏ tôi đi học tôi đã viết sai chính tả từ này nà, nhớ tới bây giờ luôn.
Người ta luôn mong muốn những gì mà mình không có được. Biết làm sao được!?!?
Tôi tự hỏi trong cái mớ mong muốn hỗn độn của mình, mình sẽ mong cái gì nhiều nhất?!?!!?!?
Vĩ mô trước nhá:
- Mong sáng sáng mở báo mạng lên đọc không thấy những tiêu đề nóng bỏng như bé 9 tháng bị mẹ ruột bạo hành, chồng đánh vợ chỉ vì nhìn mặt ... thấy ghét.
- Mong pháp luật trừng trị mạnh bạo những tội như hiếp dâm hay ngoại tình sẽ không xử bằng án phạt hay tử hình gì cả? Sẽ xử bằng cách cắt ku mấy thằng cha đó cho cá vồ ăn cho lúc đó sống không ra sống chết không ra chết cho biết tay.
Vi mô hơn nè, là mong :
- Lấy được cái bằng lái xe hơi - cái này nhấp nhỏm mấy năm nay mà chưa thực hiện được, mà hẻm hiểu tại sao mình thích thi lấy cái bằng này làm chi trong khi nghèo rớt mùng tơi tiền đâu mua xe mà vi vu ... thiệt là không hiểu nổi mình.
- Học xong một cái bằng nữa để cho tía thấy mình bớt dốt - Thiệt là hỏng ham hố cái zụ này chút nào. Tại tía tôi có một đứa con gái à, nên rất  mong muốn con mình có bằng này bằng kia hem thôi ra đời thua người ta mà tía nào biết con gái tía đâu có thích học hành.
- Có thể nghe và nói trôi chảy tiếng Khơ-me - Hix hix ... xứ của chàng người Khơ-me nhiều lắm.
- Được ăn Tết của người Khơ-me - Cái zụ này canh ba năm nay rồi mà tới đó là không đi được tức trào máu luôn.
- Đến Lào - Không hiểu sao trong suy nghĩ tôi Lào là  một đất nước đẹp và hiền hòa lắm lắm.
- Được tự do mần đám cưới của mình theo ý của mình - Tôi muốn phát khóc khi nghe tía má tính đám cưới của mình mà mời mấy trăm khách.
- Sinh con trai vào năm rồng, sinh con gái vào năm rắn cho cả nhà rồng rắn lên mây - Chàng nhà tôi nói em tính thành con gì mà đòi đẻ năm một vậy trời!?!?!?
- Kiếm được một cái nhà nhỏ nhỏ xinh xinh giữa Sài Gòn đất chật người đông này - Cái này xa vời vợi nhưng thôi kệ lấy sào kéo về cho nó gần.
- Có nhiều tiền mình sẽ xây cho quê ngoại mình hai cây cầu cho bà con khỏi đi cầu khỉ nửa.

...v...v....
Hổng biết những mong muốn này có vớ vẩn quá không nhưng mình vẫn muốn ghi lại để khi già nhìn lại còn biết là mình đã từng đã có những mơ ước "lớn lao" như vậy.
Em có một khát khao
Em có một ước ao
Mười triệu đô
Mười triệu đô

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Nhân dịp xem "Cánh đồng ..."

1. Cảm giác đi xem phim "Cánh Đồng Bất Tận" về hụt hẫng pha lẫn tiếc nuối. Lỡ "huênh hoang" với anh bạn là tác phẩm Cánh Đồng Bất Tận của Tư rất đậm chất Miền Tây nghĩa là con người "rất nghèo" trên mảnh đất "rất giàu" của mình mà sao trong phim không thấy giống lắm những gì mình cảm nhận ... . Khi đọc tác phẩm "Cánh Đồng Bất Tận" tôi đã khóc nhưng khi xem phim tôi không khóc tôi thấy phim khác quá với những gì tôi cảm nhận từ tác phẩm của Tư. Có những cảnh quay trên phim tôi thấy rất phi lý như cảnh Sương tắm tron đìa sen. Nhà tôi cũng có trồng sen đấy nhưng chưa bao giờ tôi dám lội xuống đìa mà tắm vì đìa sen là nơi bùn có thể lún sâu đến tận đầu gối, nước lại rất dơ sao mà tắm được. Miền Tây quê tôi rất đẹp nhưng không phải cái đẹp đầy rực rỡ như trên phim, mà đẹp dịu dàng có chút buồn mênh mang. Nhất là cảnh cuối phim, Nương đi giữa "cánh đồng bất tận" lúa xanh ngắt đầy nắng và gió thấy nó sao sao ý,cảm giác để lại không ngậm ngùi đau xót bằng tác phẩm chính của nó.
Minh họa - Ao sen nhà tui

2. Ra về, bàn luận về bộ phim với chàng (chàng hổng có đọc "Cánh Đồng Bất Tận" của Tư) nghe chàng nhận xét thấy càng hụt hẫng thêm.
- Anh thấy phim thế nào?
-Cũng được, làm xong bộ phim này nhà sản xuất lời quá trời luôn!!!
- !?!?!!?? Là sao anh?(trong lúc này mà còn nghĩ đến chuyện lời lỗ nữa)
- Chời, em hổng thấy hả?Phim tòan vô ruộng mà quay hông à, đạo cụ toàn thứ rẻ tiền đâu có tốn kém gì mà bà con ở quê mình rất hào phóng trong chuyện cho mượn mấy cảnh quay như vậy!!!
... !?!!? im lặng một chút xong tôi nói tiếp
- Em thấy bi kịch quá, tại nghèo mà ra nông nỗi anh há!
- Anh thấy xuất phát của bi kịch này là tại thằng cha buôn vải chứ có phải do cái nghèo đâu em!!!
Thấy tôi im lặng có vẻ không vui chàng nói tiếp:
- Anh không đọc tác phẩm nên anh không biết nó ra sao nhưng hôm nay anh coi phim thì anh thấy vầy nè : Tại sao một người đàn bà có thể bỏ hai đứa con để ra đi vì mấy khúc vải đẹp đó vậy!?!?! Trong khi chồng vẫn lo làm ăn kiếm sống chứ có phải bỏ bê mấy mẹ con đâu. Ở quê mình mà có chồng con như vậy thì đâu có mấy người đàn bà nỡ bỏ ra đi. Trừ khi nào chồng say xỉn,đánh đập mà chưa có con thì người ta dễ ra đi như vậy chứ 2 đứa con rồi ai mà nỡ bỏ đi theo kiểu đó!!!! ...
Tôi hổng biết nói sao nữa, tại chàng nhà tôi hiểu không tới ý đồ của đạo diễn khi chuyển thể tác phẩm hay khi chuyển thành phim đạo diễn đã bỏ mất cái hồn của tác phẩm đâu rồi nên người xem thấy nó tầm thường quá chăng!!?!!?!?

Nhớ Miền Tây

Đi xem phim "Cánh đồng bất tận" về thấy nhớ miền Tây quá định bụng sẽ về chơi liền nếu cuối tuần này rảnh. Bây giờ lôi mấy cái ảnh đồng quê ra nghía cho đỡ nhớ coi.
Đầu tiên là Trà Ôn nhé - quê "người dưng" mà cũng đã nhận làm quê mình
Bình minh trên đồng lúa

Cánh chim lạc đàn trên đìa sen

Mẹ con nhà bò

Đàn chó con của "chị Dậu"

Lụm trứng vịt đẻ rớt trên bờ ranh

Bến đò

Cam sành Trà Ôn

Câu cá ở mương nhà

Nướng rơm

Rơm tàn

Thành quả