Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Vùng sâu vùng xa

Một chuyến đi bất ngờ, ngoài dự tính, thời gian cũng ngoài tầm kiểm soát luôn đến một nơi không phải là quê mình, hay quê chàng gì cả, nhưng ở đó có những người thật đáng yêu và đáng nhớ. Số là, đang nằm lăn lóc ở nhà dưỡng thương không có ý định đi chu du đâu cả thì một người quen rủ đi phát quà từ thiện cho bà con ở vùng sâu vùng xa tận U Minh Thượng, Kiên Giang. Lúc đầu mình từ chối đây đẩy nào là thương tích đầy mình như vầy mần gì nổi mà đi, nào là sợ nắng nám vết thương, nào là sợ đủ thứ...nhiều vô kể, nhưng người này phán một câu không đi là hối hận vì sẽ không bao giờ được sống trong cảnh thiên nhiên đến như vậy...còn công việc dành cho mình chỉ là công việc thủ quỹ chi tiền theo đúng những gì phân công. Thấy hấp dẫn và có lý nên đồng ý lên đường, mọi quyết định chỉ trong vòng nửa tiếng, soạn đồ leo lên xe mà đi. Ngủ một giấc đến sáng thì đến Rạch Giá, xong có xe đón cả đám đi vô xóm, tưởng có xe máy vi vu ai dè, chỉ chở xe máy đến chỗ đi đò vô thôi hjxhjx... đến khoảng 3h chiều mới tới nơi cần tới, đó là một xóm nghèo lèo tèo vài chục nóc nhà lá và không điện, không nước, điện thoại cà hập cà hụt ... ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Máy tính, máy chộp hình, Ipod,...thành cục gạch ở đây, lúc đó mình hí hứng vì mình có mang cây 3G theo tưởng mình là "chùm" rùi chứ, ai dè điện không có nên máy tính hẻm ai dám xài, 3G cũng vô ích luôn chập chờn, lâu lâu mới dám mở máy lên mạng một chút rồi tắt vì sợ hết pin. Nhiệm vụ chính xuống đây là sửa lại căn nhà lá cho các ông bà già neo đơn.Nói cho oai thế thôi chứ thật chất là chỉ mang tiền xuống và giám sát  thi công chứ mọi thứ đều do những người dân ở vùng xúm lại mần. Mười ngày sửa được 2 căn nhà lá mát mẻ và sạch sẽ cho 2 gia đình mà họ mừng như xây được 2 căn biệt thự cho chính mình làm chúng tôi cũng vui lây.
Điện thoại hết pin thì gửi ra ngoài xã sạc,cả ngày trời mới được trả về, nước đá mua lần góc tư chở vô tận nơi tan ra còn chút xíu. Nói ra thì nói là nói quá chứ hẻm biết hội từ thiện kiếm đâu ra cái vùng mà còn nghèo đến vậy hay thật. Bà con ở đó rất vui, lúc tụi tôi mới đến nơi họ kéo lại coi người Xì Phố như đi xem hát vậy đó. Có con bé con thấy tôi mặc quần mô-đên rách gối te tua, nó khều khều tôi nói nhỏ, chị đang mặc quần rách kìa, thay quần đi. Hai ngày đầu ở đây tôi không chịu được, cứ có cảm giác bức bối như lạc vô rừng, tách biệt với cuộc sống bên ngoài, nhưng đến ngày thứ ba thì khác, thích thú thấy rõ vì được sống với thiên nhiên vì thấy cuộc sống sao bình yên quá.
Khi chia tay có hẹn ngày gặp lại nhưng không biết đến bao giờ mới có thể về lại vùng đó nữa, hy vọng sang năm có điện cuộc sống bà con đỡ khổ hơn bây giờ. 

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Trở về sau bao ngày xa rời văn minh

Mười ngày qua sống như một người nông dân thứ thiệt, không điện có nghĩa là không TV, máy tính, blog, facebook, sách báo...,không nước sạch, không máy chộp hình (hết pin hẻm sạc được) sóng điện thoại cà dzựt, cảm giác thật kinh dị mỗi khi đêm xuống, nhưng cũng thật là thú vị, có lẽ sẽ không có lần sau nữa vì nghe đâu qua Tết điện sẽ kéo về tới nới đó và xóa cầu khỉ.
Sáng 4h dậy, tối 6h đã chui vô mùng, phương tiện đi lại là xuồng ba lá, ăn cơm với cá và rau dại và cơm ngày ba bữa đúng nghĩa. Hoàn toàn không mua được bất cứ thứ gì ăn vặt, món ăn vặt ở đây là củ ấu, khoai lang, bình bát, mận, và sữa lúa (bông lúa đang ngậm sữa cắn vào hạt lúa sẽ có chất ngọt dìu dịu và thơm nhẹ nhẹ rất ngon). Những ngày qua tôi toàn thưởng thức những đặc sản như chuột đồng, cá lóc, cá trê, ếch, rắn, gà vườn, kỳ nhông... theo kiểu đơn giản nhất là nướng rơm và ăn với muối ớt... cây nhà lá vườn đúng nghĩa.
Tưởng có mình ên mình rảnh đi long nhong thôi chứ ai dè các bạn ai cũng tranh thủ làm vài chuyến đi trước Tết.
Để chiều rảnh sẽ viết tiếp về nơi mình đến còn bi giờ ghé thăm nhà các bạn khác đây

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Cầu cá vồ

1. Cái vấn đề WC là vấn đề tế nhị nhất mà sao đối với người dân ở xóm tôi nó thật là tự nhiên, người ta có thể làm chuyện đó ở nơi có nhiều người qua kẻ lại. Tôi nhớ hồi thời sinh viên tôi có rủ nhỏ bạn quê ở Quy Nhơn về nhà chơi, nó lưỡng lự nửa đồng ý nửa không ,tôi gặng hỏi thì nó ngập ngừng nói: "Nhà mày đi WC ở đâu?!?". Lúc đó mới té ngửa ra là nó sợ cái cảnh cầu cá ở miền Tây. Tôi nói nhà tôi có WC ở trong nhà rồi, lúc đó nó mới mạnh dạn đồng ý về.
Trong lúc rảnh rỗi về thăm nhà và dưỡng thương tôi hay loanh quanh trong xóm ghé nhà người này người kia chơi, nhà ai bây giờ cũng xây lại và đều có WC trong nhà hết rồi, cứ tưởng như vậy thì sẽ xóa sạch cầu cá ở xóm rồi chứ. Ai dè, một hôm tôi ghé nhà bà Sáu Ấu chơi nói chuyện trên trời dưới đất với ông bà Sáu cả tiếng đồng hồ tôi thấy người ta ra vô hè nhà Sáu cũng nhiều, tôi hỏi thì bà Sáu nói sau hè nhà bà có cầu cá tra nên người ta ra vô đi ... đó mà. Tôi nói: Ủa, Sáu có WC trong nhà rồi mà, còn để cầu chi nữa cho mất vệ sinh Sáu?!?! Ông bà Sáu cười cười nói, có WC trong nhà cho sang chứ đi ... hổng được, toàn đi cầu cá không à. Trời đất! Tôi nghe xong muốn té ghế luôn. Thế là tôi quyết tâm tìm hiểu coi còn được bao nhiêu cây cầu cá ở Xóm Chài này.
2. Ngày xưa, à mà không hồi những năm chín mươi đến khoảng năm hai nghìn lẻ ba thì xóm tôi có ba hầm nuôi cá vồ, cá tra lớn mỗi hầm có khoảng ba đến bốn cây cầu dùng cho việc giải quyết bầu tâm sự cho cả xóm, điều đặt biệt là ba hầm này đều nằm ngoài mặt tiền đường nhiều người qua lại, có hầm còn được 2 mặt tiền nữa là khác.Sáng sáng cả xóm kéo nhau ra giải quyết mọi nỗi sầu ở đó, người ngồi bên trong lú đầu ra nói chuyện bàn tán rôm rả với người đứng chờ bên ngoài... hjxhjx nhớ tới cái cảnh đó tôi thấy tức cười. Có lần ông Ba Tà La xỉn quá sức đi ra đó té một cái ùm xuống hầm tụi cá vồ tưởng miếng mồi to bay đến đớp lia đớp lịa, quẫy đạp om sòm cũng may là ngay mặt đường nên người ta đi ngang thấy vậy nhảy xuống kéo ông vô nếu không là ông đã mất mạng.
Có nhiều chuyện cười ra nước mắt xung quanh cây cầu cá này, trẻ con đứa nào cũng đã từng té cầu vì cầu chỉ là một cây tre, cây gòn hay cây dừa bắc ra giữa hầm, xung quanh dừng mấy tấm lá lợp nhà. Có một chị nọ trong lúc đang ngồi ở đó thì trời chuyển mưa, gió thổi mạnh làm rớt tấm lá che chắn xuống, hai bên trống hơu trống hoác làm chị hoảng quá kéo quần đứng dậy hổng biết có kịp ... chưa nữa. Chị họ tôi đi ra đó nhằm lúc cây mục gãy cũng té lọt cầu, đang ngồi gặp người quen đi ngang cũng kêu một tiếng để chào nhau ... nghĩ lại thật tức cười.
Cứ tưởng khi điều kiện kinh tế khá giả xây được WC trong nhà rồi bà con sẽ bỏ cầu cá chứ, ai dè thói quen xưa không bỏ được, tôi đi một vòng xóm thì thấy còn lại cả chục cây cầu cá sau hè nhà. Có điều kiện nên người ta làm cầu vững chắc và đẹp đẽ hơn để phục vụ cho việc ... của người nhà nhưng tôi vẫn thấy nó gây mất vệ sinh nguồn nước sao sao đó, ngay cả nhà ngoại tôi có WC trong nhà nhưng vẫn không bỏ được cây cầu cá vồ sau nhà, và WC chỉ dùng vào ban đêm cho việc tè thôi, chứ cả nhà ngoại tôi không ai chịu sử dụng WC đúng chức năng của nó. Tôi có ý kiến thì bị quạt cho một trận : chưa là gì mà bày đặt chối bỏ gốc quê, quê chớt mà nói chuyện như mình là người Xì Phố thứ thiệt ... thôi tôi thua luôn. Hổng lẻ giữ gìn gốc quê là phải giữ luôn mấy cây cầu cá vồ hả ta?!?!?
Không biết bao giờ mới xóa được cầu cá vồ ...
(Có chộp một tấm ảnh cây cầu cá vồ có người ngồi nhưng hổng dám pốt, sợ ô nhiễm :))

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Gà trống

1. Nhà ngoại tôi có nuôi nhiều gà vịt lắm, nuôi kiểu ở vườn để khách khứa con cháu mà ghé nhà thì có sẵn thức ăn chứ chợ ở xa lắm. Năm nay không có dịch nhưng bầy gà nhà ngoại tôi trúng gió chết ráo trọi chỉ còn lại con gà trống mù một mắt. Hôm rồi có một trận mưa khá lớn gió thổi gãy nhánh mận đè sập chuồng vịt làm chết cả bầy vịt xiêm mới nở chỉ còn sống có một con vịt con mà bị què nữa. Mấy bữa nay xuống ngoại chơi thấy con gà trống mù với con vịt què rất thân thiết với nhau một điều hiếm thấy giữa gà và vịt. Tôi để ý chúng cả buổi chiều, thì thấy gà trống đi đến đâu thì vịt què lạch bạch chạy theo đến đấy bất ngờ nữa là gà trống bươi bươi đất cho vịt què cùng mổ mồi với mình. Ngoại tôi rải lúa thì chúng ăn chung với nhau. Có lẻ cùng tật nguyền với nhau thì tụi nó thông cảm nhau chăng?!!?
2. Tôi về nhà được mấy hôm rồi mà không thấy bé Mèo ghé nhà chơi, mọi khi tôi hay xách đồ cũ của mấy đứa cháu về cho bé, lần này cũng có mà không thấy bé ghé nhà tôi hỏi má tôi thì được biết má con Mèo bắt nó về ngoại ở rồi. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp nhỏ quá chừng, bé Mèo bằng tuổi nhỏ cháu ở nhà tên là Hiền nhưng hồi nhỏ mặt mũi lúc nào cũng lem luốc như con mèo nên kêu là bé Mèo. Vợ chồng anh Tư Mắm lấy nhau khi còn rất trẻ anh Tư mới hai mươi còn chị Tư thì được mười sáu, mười bảy gì đó, họ có với nhau thằng Cà Tím (tức là anh bé Mèo) thì một hôm đi làm về anh Tư thấy thằng Cà Tím khóc ngằn ngặt trên võng còn chị không thấy chị đâu nữa. Chị biến mất không để lại dấu tích gì cho anh như có phép tàng hình vậy. Hàng xóm láng giềng đồn là chị bị thằng Chệt nào đó bỏ bùa nên đi theo rồi (xóm tôi ai bỏ nhà đi là đồn bị bỏ bùa mà hổng biết bùa là cái gì?!?)Anh Tư nhất quyết không tin và buồn ngẩn ngơ như người thất tình trong một thời gian dài gà trống nuôi con. Khoảng một năm sau chị Tư đột ngột xuất hiện trở lại trong xóm với cái bụng bầu lùm lùm làm cả xóm bất ngờ, còn ngạc nhiên hơn nữa là anh Tư Mắm vui vẻ chấp nhận sự trở về của chị Tư và còn tận tình chăm sóc chị, lúc đó anh hay chạy qua nhà tôi xin đọt lá dong, anh ngượng ngịu phân trần với má tôi là chị có bầu mà mất ngủ người ta nói ăn đọt lá dong rất dễ ngủ nên anh xin về cho chị ăn dễ ngủ. Hàng xóm xầm xì bàn tán chuyện cái bầu của chị, nhưng anh Tư cứ hề hề cho qua chuyện rồi cũng thôi không ai bàn tán gì nữa, gia đình anh Tư cũng rất hiền, má anh Tư là bà Tám nói "Đời người ai cũng có lầm lỡ, nó biết nghĩ đến con cái và thằng Tư mà quay về thì thôi tui con đứa nhỏ này như cháu trong nhà chứ không phân biệt chi hết". Bé Mèo ra đời trong sự chào đón của anh Tư và sự giúp đỡ rất tận tình về mặt tài chính của chị Năm Tro (em gái anh Tư) nếu không chị Tư đã mất mạng vì hậu sản. Hàng xóm ai cũng nói kiếm được một người đàn ông như anh Tư trong thời đại này cũng khó chắc chị Tư phải tu mấy kiếp mới được.
Được một thời gian, bé Mèo được ba bốn tuổi gì đó chị Tư lại biến mất như lần trước, lần này hàng xóm có người nói chị sống với ba bé Mèo trên Xì Phố, có người nói chị đi làm "nệm" (làm nệm cho người ta nằm). Lúc đó rất tội ba cha con anh Tư, ba cha con thui thủi ở với nhau. Tội nhất là bé Mèo, tối ngày nhớ mẹ khóc ngằn ngặt, anh Tư rất thương bé Mèo,thương hơn cả thằng Cà Tím. Tuy nghèo nhưng cũng ráng lo cho ăn học đàng hoàng, anh Tư gà trống nuôi hai đứa nhỏ gần 10 năm nay mà chị không một lần ghé thăm ba cha con, chị chỉ nhắn hai đứa nhỏ qua nhà ngoại cho chị gặp khi chị về chơi. Má tôi nói tháng trước chị Tư trở về khóc lóc xin anh tha thứ, xin bà Tám tha thứ nhận lại chị làm con con dâu, anh làm thinh quay lưng đi, bà Tám lặng im không nói thì chị bắt bé Mèo về ngoại vì lí do "Nó không phải con anh và cháu của bà". Chiều nay tôi thấy anh Tư chờ bé Mèo ở cổng trường để cho nó mấy hộp sữa mà thấy bùi ngùi.
Xóm Chài của tôi bé tí tẹo không tới năm chục nóc nhà nhưng đủ thứ chuyện "giật gân" có thể viết cả một cuốn tiểu thuyết về Xóm Chài. Hôm nào tôi sẽ kể tiếp mấy thiên tình sử ở xóm tôi cho các bạn nghe

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Tai nạn

  Tai nạn xảy ra bất ngờ quá không tiên liệu được, mặt mũi và tay tôi bi giờ trầy xước cả, điều đau lòng nhất là một nửa khuôn mặt tôi bị trầy nát như cái tay, tôi không biết phải làm gì cho đỡ sẹo. Có bạn nào biết làm sao cho nó bớt sưng và thoa cái gì cho mau liền sẹo thì giúp tôi với


Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Phim và đời

1. Đề tài này đã từng bàn trong blog cũ rồi nhưng vẫn thấy thích nên đem ra nói tiếp ... hí hí.
Cả tháng nay tôi đọc Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung (mỗi ngày 5 trang) đến hôm qua mới xong hết bộ. Mặc dù đã coi phim nhiều rồi nhưng vẫn thích đọc truyện , ngẫm lại tui thích đọc truyện hơn xem phim, đọc truyện tha hồ mà tưởng tượng anh hùng này mỹ nhân kia ra sao chứ coi phim không "đã" bằng. Trong TLBB này có rất nhiều anh hùng hào kiệt nhưng tui hổng thấy phái cha nào bằng cha : Đoàn Chính Thuần. Không hẳn là thích nhưng thấy cuộc đời ông trùm cưa gái này hay hay,có nhân có quả. Hay ở chỗ là con người đẹp trai này coi không có gì đặc biệt mà được nhiều cô mê tít. Đương thời vơ vét vô vàn mỹ nhân (tất cả các mỹ nhân trong phim đều dính líu đến lão gia gia này không vợ thì cũng là con gái). Đặc biệt là người nào ông cũng yêu say đắm, yêu quay cuồng, yêu như chỉ yêu... mình ên em í (thế mới là cao thủ chứ!). Cô nào cũng thấy ta là số một của chàng, khi biết ra chàng có quá nhiều "số một" vẫn cứ yêu thắm thiết như thường nhưng kèm theo cái màn ghen tuông tìm nhau mà xử :(. Thiệt là tội nghiệp đàn bà con gái trong cái truyện này, lúc đầu tui cũng rất tức cha này lắm người gì đâu mà lăng nhăng phát khiếp làm gì mà con cái rơi rớt dọc đường tùm lum làm như quên cột thun lại í nhưng khi đọc tới cái đoạn Đao Bạch Phụng đọc mấy câu thơ với Đoàn Diên Khánh thì tôi đã hiểu là Đoàn Dự hổng phải là con của chả, tôi thấy hả dạ dzô cùng, thiệt là trời cao có mắt. Hổng có câu nào diễn tả hay hơn câu đó :)), cũng may cho chả là chả không biết tin đó lúc còn sống chứ mà biết thì chắc chả tự tử quá. Mà cái chết của Đoàn đại gia này cũng rất lãng tử nhé, mấy bà vợ đều chết chung nằm la liệt xung quanh, làm như sợ chả đi một mình cô đơn hay sao í nên có mấy bà tự tử theo luôn nà, chắc xuống dưới mấy bả cũng cãi nhau ỏm tỏi nữa quá.
2. Hôm nay xóm tôi có đám tang, người đàn ông vừa mất còn khá trẻ sinh năm 71, anh ra đi để lại vợ và hai đứa con còn nhỏ quá đứa lớn học lớp 2 đứa nhỏ 3 tuổi. Lúc tôi về xóm này anh với chị mới lấy nhau và chị đang có bầu đứa đầu, sinh con xong chị tình nguyện nghỉ làm công chức ở nhà nuôi con và phụ giúp anh mở rộng cửa hiệu kinh doanh. Công việc tốt đẹp dần lên, chị cho ra đời thêm một công chúa rất dễ thương nữa, công việc mần ăn của anh chị ngày càng phát đạt nhưng oái ăm thay một hôm uống rượu về anh bị tai biến phải nằm viện cả tháng nhưng nhờ sức trẻ nên đã đỡ nhiều lắm về nhà được mấy tháng thì anh bị lại té ngất xỉu trong nhà tắm lần này nghe đâu nặng hơn lần trước nhiều, nằm viện được một tháng thì anh ra đi. Lúc anh nằm một chỗ có mình chị tận tình chăm sóc lo lắng chuyện việc cá nhân của anh từ lớn đến nhỏ, thiệt không có gì quý bằng tình vợ chồng. Xin chia buồn với chị, cầu cho linh hồn anh siêu thoát. Mong chị có nhiều  nghị lực vượt qua đau buồn để chăm sóc tốt hai đứa nhỏ như lời chị hứa với anh lúc lâm chung.