Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Mén vào đời

   Ở miệt đất Chín Giun nọ, cách xa Xì Phố này khoảng 150 cây số (chứ hổng phải cây chuối) nơi con sông Cái chảy qua, nổi lên cái cù lao Ông Gù, trên cù lao Ông Gù xuất hiện nhiều xóm làng như Xóm Lá (chuyên chằm lá lợp nhà), Xóm Chiếu (toàn dệt chiếu), Hàng Lu (cả xóm bán lu), Xóm Chài (nhiều người mần nghề "đâm hà bá"), Cái Đôi (nơi đứng đó thấy con sông Cái chia làm đôi). Mén là cư dân của Xóm Chài nhưng nhà Mén hổng có ai đóng đáy hay kéo nhũi cả, má Mén mần ruộng, tía Mén bỏ mối thuốc lá, hai cái nghề lạ huơ lạ hoắc ở xóm này. Mén rất thương cái Xóm Chài hung dữ (xóm khác mà đụng phải dân Xóm Chài  là cả xóm kéo nhau ra oánh hội đồng chứ chẳng chơi) của mình, dù nó có dữ hay hiền thì cũng là  nơi Mén sinh ra và lớn lên mờ. Thương thì thương dzữ lắm nhưng cũng đến lúc Mén phải rời Xóm Chài dzữ dzằn của mình để tiếp tục sự nghiệp học hành kiếm một ít chữ, viết cho đầy lá mít để đỡ khổ tấm thân - lời tía Mén nói.
    Mén là sinh viên khi mới 17 tuổi nghĩa là nhỏ tuổi nhất trường lúc đó vì Mén đi học sớm một tuổi mà (Mén đi học sớm vì cái tội mê trai,để hôm nào kể cho nghe còn hôm nay tập trung vào chuyện này). Mén bước vào giảng đường trong thời kì khốn khó nhất của gia đình, tía Mén đổ bệnh rất nặng tưởng không qua khỏi, gia đình muốn Mén bỏ học, đi mần công nhân nuôi thân đến khi nào kinh tế khá giả hơn rồi đi học lại, chứ không kham nổi việc vừa chữa bệnh cho tía Mén vừa nuôi Mén học chữ để viết đầy lá mít nữa. Nhưng tía Mén nhất quyết là Mén phải đi học nếu không ông sẽ không chữa trị gì cả, ông nói: " Tía sống mần chi mà để cho con gái tía thất học chứ". Tía Mén quan niệm là con gái cần phải có chút chữ nghĩa để có một nghề nghiệp đàng hoàng sau này lỡ chồng có bỏ thì cũng có nghề mà nuôi con chứ nếu không khổ lắm. Mà tía Mén không muốn con Mén của tía buôn gánh bán bưng hay mần nông cực khổ một nắng hai sương. Vậy là Mén được đi học trong sự cố gắng của cả gia đình và cả sự nổ lực của bản thân Mén nữa, Mén tuyên bố sẽ tự lo cho mình không cần ai lo, gia đình chỉ lo cho tía Mén thôi.
    Hành trang để Mén lên đường đi học là lời dặn dò của tía Mén, và 2tr5 tiền góp của má Mén (má mới góp của bà Đèo hôm qua). Tía Mén dặn :
- Con lớn rồi muốn mần gì thì mần nhưng phải nhớ là sống lương thiện không lọc lừa và ức hiếp ai hết nghen con. (Tía nó mần như nó là đầu gấu hổng bằng lọc lừa với ức hiếp người khác...)
- À...còn nữa, (hơi ngập ngừng một tí) nếu có bồ thì chọn một là dân Xì Phố hai là dân miệt này thôi, để một kiểng hai, ba quê cực lắm nghen con. (tía mần như bồ là người ta để một rổ có dán nhãn đề là "Made in ..." lên vậy muốn chọn ai chỉ cần lụm bỏ dzô túi là được)
Mén dà dạ chứ có thèm để ý gì đâu vì nó còn lo nghĩ chuyện xa vời hơn kia kìa, ai như tía nó lo những chuyện hổng ăn nhập gì ráo.
    Ngày đầu tiên lên Xì Phố, Mén đến trường làm thủ tục nhập học, trường Mén học là một trường khá nổi tiếng ở Xì Phố, nổi tiếng vì là nơi chuyên đào tạo ra những người đứng mũi chịu sào để lèo lái nền kinh tế của đất nước, mà cũng là nơi cung cấp không ít tù nhân cho các trại giam nữa :(.
Trường bé xíu, không bằng một góc trường cũ của Mén nữa, làm Mén thất vọng quá chừng. Thủ tục nhập học đã ngốn hết của Mén 2tr rồi, đã vậy chiều nay Mén còn phải đóng tiền nhà hết 200k nữa, Mén hoảng hồn khi thấy mình còn chưa tới 300k nữa vì hôm qua đã đi xe hết 35k rồi. Mén nghĩ mình phải kiếm việc mần thôi nếu không mơi mốt hết tiền rồi sống sao. Mén có bà con ở Xì Phố này chứ, nhưng nó không muốn nhờ vả vì ai cũng nặng gánh gia đình, hổng lẽ nó còn báo cô nữa sao.
    Theo lời chỉ dẫn của đàn anh đi trước Mén tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh viên của thành đoàn để tìm việc mần thêm, người ta nói với Mén là chỉ còn có việc giúp việc nhà theo giờ thôi có chịu mần thì người ta viết giấy giới thiệu cho. Mén đứng tần ngần một hồi rồi đồng ý, chuyện gì chứ việc nhà thì nó mần quen từ hồi lớp 6 đến giờ lận, cơm nước, quần áo, nhà cửa chỉ là con muỗi thôi, nó tần ngần là vì nó sợ quê xệ khi bạn bè biết nó đi mần mướn cho người ta. Nhưng nó nhớ má nó dạy nó là "Có quét rác hay ở đợ đi nữa thì cũng là công việc lương thiện mà người ta bỏ công sức ra mà kiếm tiền, không cướp bóc lừa lọc ai mà có, là điều đáng nể chứ không phải là điều đáng xấu hổ" nên nó đồng ý mần mướn theo giờ.
    Trung tâm giới thiệu Mén đến mần cho nhà cô Hà ở gần Tân Cảng, cô Hà mần kế toán cho công ty sữa Cô Tiên, chồng cô là giám đốc công ty dầu ăn hiệu Ông Già, cô có hai đứa con, con trai học lớp mười, con gái nhỏ học lớp ba, nhà cô Hà có người mần việc nhà rồi nhưng bà vú bị đau khớp hoài không lau nhà và ủi đồ xuể nên cô Hà thuê Mén lau nhà và ủi đồ, tuần mần 3 buổi, mỗi buổi khoảng 2 tiếng, một tháng cô trả cho 200k. Giờ giấc cho Mén chọn luôn rảnh giờ nào là qua mần giờ đó vì nhà luôn có bà vú mở cửa, miễn mần xong việc  thì thôi.
Mén đi mần được hai ngày, đến ngày thứ ba thì ...
(Còn nữa)

7 nhận xét:

Đỗ nói...

Mén ơi kể tiếp đi, dài dài, từ từ, tửng tửng nghe. Tui phái cái từ Xì phố và giọng điệu này của Mén.

Unknown nói...

"trường Mén học là một trường khá nổi tiếng ở Xì Phố, nổi tiếng vì là nơi chuyên đào tạo ra những người đứng mũi chịu sào để lèo lái nền kinh tế của đất nước, mà cũng là nơi cung cấp không ít tù nhân cho các trại giam nữa" - Trường Kinh tế hả Mén

miss_sadec nói...

Bác Đỗ: Hì hì, bác phái là mừng rồi, Mén sẽ kể tiếp mờ, lo gì.
Anh Phú: Nó đó anh, "Tiền bạc, danh vọng, tù tội" nó đào tạo ráo hết :))

Dã Quỳ nói...

Mén ui, DQ kê dép ngồi đây chờ Mén kể típ đó ngheo! Thương Mén, thương Tía Má của Mén lun nà.

Chờ xem Mén vào đời ra sao đó nhen!

Shương nà!!!!

miss_sadec nói...

Chị DQ: Cảm ơn chị nhiều!!!! Mén dzìa quê với tía, má mấy hôm không có trả lời chị sớm được. Để Mén kê ghế nệm cho chị ngồi coi Mén vết tiếp nghen. :)))

guy nói...

í chà, thấy hồn hậu người miền Tây ghê
hay nghen Đét

miss_sadec nói...

jazzy guy: Hì hì...cưng cũng làm vài bài cho zui nhà zui cửa đi nè